Tại sự kiện, đánh giá về bức tranh hợp tác thương mại của vùng ĐBSCL hiện nay, ông Nguyễn Chí Thiện – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho rằng, sự liên kết giữa các tỉnh và thành phố của vùng trong vấn đề thương mại vẫn chưa chặt chẽ. Mỗi địa phương có các kế hoạch xúc tiến thương mại riêng lẻ, thiếu sự thống nhất và đồng bộ, dẫn đến tình trạng phân tán nguồn lực và kém hiệu quả trong việc xây dựng thương hiệu chung cho vùng.
Liên kết xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành phố trong vùng chưa có một chiến lược rõ ràng và mang tính dài hạn. Việc chia sẻ thông tin về thị trường, đối tác và cơ hội xúc tiến thương mại giữa các địa phương còn hạn chế. Ông Thiện cho rằng, điều này làm giảm khả năng phối hợp và tối ưu hóa các hoạt động xúc tiến thương mại của vùng.
Việc xây dựng và phát triển thương hiệu chung cho các sản phẩm thế mạnh của ĐBSCL còn gặp nhiều khó khăn. Các sản phẩm thường được quảng bá riêng lẻ, thiếu các chiến dịch quảng bá chung và đồng bộ nên các sản phẩm của ĐBSCL nhận diện chưa cao.
Trước tình trạng này, ông Tô Minh Dương – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, vùng cần có một trung tâm xúc tiến thương mại cấp vùng. “Thành lập trung tâm xúc tiến thương mại cấp vùng sẽ là nơi các địa phương, doanh nghiệp trao đổi, cung cấp thông tin, sản phẩm của vùng; để đối tác nước ngoài đến tìm hiểu, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại cho doanh nghiệp trong vùng,” ông Tô Minh Dương cho biết.
Mặt khác, các địa phương có thế mạnh mặt hàng chung như tôm của Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng có thể phối hợp với nhau, đặc biệt trong vấn đề chuyển giao khoa học kỹ thuật, ổn định vùng nguyên liệu, liên kết các nhà máy có thế mạnh về tôm.
Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu Tô Minh Dương tại sự kiện. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Thiện cho rằng, cần có một chiến lược liên kết vùng dài hạn, tập trung vào việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, bao gồm các mục tiêu cụ thể, lộ trình thực hiện và các biện pháp hỗ trợ từ cấp trung ương đến địa phương.
Đồng thời, thúc đẩy các mô hình hợp tác xã và liên doanh giữa nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ để tăng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại.
Vùng cũng cần tập trung xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, thủy sản, trái cây từ khâu sản xuất, chế biến, đóng gói đến phân phối và tiếp thị.
Dưới góc độ hiệp hội, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh, các nhà sản xuất rau quả trong vùng ngày càng phải chú trọng chất lượng sản phẩm đầu ra theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP..., đặc biệt khi Việt Nam có 19 FTA với thế giới.
Theo ông Nguyên, việc áp dụng công nghệ thông tin sẽ giúp người nông dân, người sản xuất thực hiện truy xuất nguồn gốc dễ dàng, tham gia sàn thương mại điện tử, hội chợ trong và ngoài nước, từ đó góp phần tạo nên thương hiệu của địa phương, phát triển lên thành thương hiệu quốc gia. “Nếu có thương hiệu quốc gia thì không sợ không có người mua, không sợ không có thị trường,” ông Đặng Phúc Nguyên nhận định.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, cây ăn trái lớn nhất Việt Nam. Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, ĐBSCL đã trở thành khu công nghiệp lớn thứ 3 của cả nước. Đây cũng là vùng đất quan trọng của Nam Bộ trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư, giao thương với các nước trong khu vực. Trong nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐBSCL đã đạt 19,5 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu tới 6,6 tỷ USD; xuất khẩu đạt 13,1 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 6,48 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ. |