Đề xuất gỡ khó trong triển khai các dự án giao thông liên tỉnh, liên vùng

KINH TẾ QUỐC HỘI
17:30 - 31/10/2023
Đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng - Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Thảo luận về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng, đặc biệt là các dự án giao thông liên tỉnh, liên vùng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 31/10,Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Đề xuất giảm giờ làm việc cho người lao động xuống 40 giờ/1 tuần

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, sau gần 80 năm độc lập, qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế - xã hội, thế và lực của nước ta được nâng lên tầm cao mới nhưng thời giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm trong khi thời giờ làm thêm đã tăng lên gấp 3 lần.

Theo đại biểu, người lao động cần được quan tâm, được chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước.

"Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công, đã được thực hiện từ năm 1999. Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới", ông Nghĩa nêu.

Đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024

Cũng trong bài phát biểu tại hội trường, đại biểu Nghĩa đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong 9 tháng năm 2023, nhưng vẫn còn 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là năm thứ ba liên tiếp không đạt.

"Đây là năm thứ ba liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu này. Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm: Giai đoạn 3 năm 2021-2023, chỉ đạt 4,36 - 4,69%, thấp hơn mức bình quân 6,26% của 3 năm 2016-2018", đại biểu đặt vấn đề.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.

Theo đại biểu, bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp chính sách tốt, sẽ đem đến nhiều hệ lụy, như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài.

Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị quan tâm đến 3 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa. Tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp, kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Theo Báo cáo số 286/BC-CP ngày 8/6/2023 của Chính phủ gửi đến Kỳ họp thứ 5 thì thủ tục hành chính của nhiều ngành, lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn, tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, đại biểu đề nghị tăng cường liên kết vùng. Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội đã thông qua 2/3 quy hoạch quan trọng cấp quốc gia, nhằm định hướng không gian phát triển của đất nước.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng làm cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng vào cuộc sống.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

Cùng quan tâm đến phát triển kinh tế vùng, Đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cũng có đóng góp về triển khai thực hiện các dự án giao thông liên vùng. Đại biểu cho biết, hiện nay tỉnh nào có điều kiện về nguồn lực thì thực hiện đầu tư trước, đầu tư quy mô lớn. Tỉnh nào gặp khó khăn về nguồn lực thì đầu tư sau, hoặc đầu tư quy mô nhỏ. Điều đó dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư, kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của hai địa phương liền kề nhau.

Đại biểu cho rằng, tỉnh lân cận có thể bố trí đầy đủ nguồn lực để đầu tư hết đoạn tuyến kết nối, nhưng do quy định tại khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước, không được dùng ngân sách của địa phương này chi cho nhiệm vụ của địa phương khác. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh quy định tại khoản 9, Điều 9 của Luật Ngân sách Nhà nước cho phù hợp.

Mặt khác, theo đại biểu, nhiều dự án còn vướng mắc thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp, vướng mắc trong quá trình thực hiện trồng rừng thay thế. Có không ít dự án gặp khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, phương án bồi thường còn chồng chéo…

Theo đó, đại biểu đề nghị cần sớm tháo gỡ những vướng mắc để có thể triển khai hiệu quả các dự án, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương.

Đọc tiếp