Đây là thông tin do ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đưa ra tại Hội thảo chuyên đề 1 chủ đề “Xây dựng đô thị, chuỗi đô thị thông minh kết nối trong nước và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam ngày 16/6.
Theo Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị xác định xây dựng đô thị thông minh là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam khi tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg, ngày 1/8/2018 Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030
Nghị quyết 52 xác định mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030: Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển
Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh; 17/63 tỉnh đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh.
Ghi nhận những kết quả tích cực của Đề án phát triển đô thị thông minh mang lại, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục phát triển đô thị cho biết: "Đến nay đã có khoảng gần 1700 đồ án quy hoạch quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị được đăng tải trên Cổng thông tin quy hoạch; một số địa phương đã và đang áp dụng GIS (Hệ thống thông tin địa lý) trong quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng".
Tuy vậy việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập. Vì vậy, Cục trưởng Cục phát triển đô thị đề xuất trong thời gian tới cần tiến hành các giải pháp như tiếp tục đẩy mạnh, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm để có thêm thông tin chính sách, góc nhìn đa chiều.
Tiếp đến, Chính phủ cần phải nghiên cứu, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến các khía cạnh về đô thị thông minh, bổ sung các hệ thống theo dõi, đánh giá,... Các địa phương cần sơ kết, đánh giá việc thực hiện Đề án 950, cụ thể hóa các chỉ tiêu và hành động ưu tiên, cụ thể hơn cho các giai đoạn tiếp theo
Tháo gỡ vướng mắc, từng bước phát triển đô thị thông minh
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp có kinh nghiệm trong và ngoài nước cũng chia sẻ về việc gắn kết giữa chuyển đổi số với xây dựng đô thị thông minh; phát triển các sản phẩm phục vụ đô thị thông minh và những lưu ý khi áp dụng các công nghệ số, nền tảng số tại các đô thị…
Giám đốc chuyển đổi số khối chính quyền của VNPT Nguyễn Ngọc Hải cho biết, tập đoàn đã hỗ trợ các địa phương, hình thành các Trung tâm điều hành thông minh (IOC) - Giải pháp kết nối Chính phủ và các đô thị tại Việt Nam tại các tỉnh thành như Bình Dương, TP HCM, Cần Thơ, Bình Phước, Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam, Lạng Sơn, Nghệ An...
Các IOC có thể tổng hợp, phân tích thông tin tình hình kinh tế - xã hội theo tháng; theo dõi và phân tích chuyên sâu các nhóm chỉ tiêu trọng tâm để nắm bắt kịp thời nhịp đập của nền kinh tế.
Hay hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đô thị liên thông ứng dụng nền tảng GIS được TS. Hán Minh Cường, Chủ tịch HĐQT CTCP tập đoàn Sgroup giới thiệu có thể cho phép các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính theo các cấp độ khác nhau như xin cấp phép xây dựng, cung cấp thông tin quy hoạch... hoặc phát triển các tiện ích trên cơ sở các dữ liệu được hệ thống phân cấp cho phép sử dụng.
Phát triển đô thị thông minh đồng nghĩa với việc phải vận hành nhiều hơn các hệ thống máy móc hiện đại, tiêu thụ nguồn năng lượng lớn trong đó, hệ thống chiếu sáng và điều hòa là một trong số các nhóm tiện ích tiêu tốn nhiều năng lượng.
Ông Phùng Hoài Dương, Tổng Giám đốc Signify Việt Nam (Công ty sản xuất đèn điện và thiết bị chiếu sáng dân dụng và IoT) cho biết: "Tốc độ gia tăng dân số và đô thị hóa diễn ra rất nhanh chóng nhưng nguồn lực và tài nguyên chúng ta có thể sử dụng là hữu hạn. Vì vậy trong tất cả các giải pháp thông minh cho đô thị, chúng ta phải tối ưu hóa nguồn lực mà chúng ta đang có".
Ông Phùng Hoài Dương, Tổng Giám đốc Signify Việt Nam. Ảnh: Thảo Ngân |
Nắm bắt được nhược điểm của ngành, các doanh nghiệp điện máy như Daikin, Signify đã đề ra những giải pháp giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ nhưng vẫn hướng tới mục tiêu phát triển đô thị thông minh, hiện đại.
Trong khi đó, với tư cách như một trong những tỉnh đi đầu về xây dựng và phát triển đô thị thông minh, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chia sẻ những kinh nghiệm như thay đổi phương thức kết nối giữa người dân và chính quyền, từ đa điểm tập trung về một điểm; thay đổi cách thức tiếp cận thông tin từ văn bản giấy sang sử dụng dữ liệu số; ứng dụng quy trình xử lý số; thay đổi phương thức đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan; phát huy quyền làm chủ, giám sát của người dân và sử dụng công nghệ phù hợp với thực tiễn.
Cũng theo Giám đốc Sở TTTT Thừa Thiên - Huế, tất cả các phương pháp trên đều được áp dụng, tích hợp thống nhất trong tỉnh. Kết quả bước đầu là cơ sở cho hoạch định phát triển đô thị thông minh trong thời gian tới.