Dệt may kỳ vọng xuất khẩu đạt 48 tỷ năm 2023

Dệt May Việt nAM
13:20 - 17/12/2022
Dệt may kỳ vọng xuất khẩu đạt 48 tỷ năm 2023
0:00 / 0:00
0:00
Căn cứ triển vọng phục hồi kinh tế thế giới và dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã đưa ra hai kịch bản về kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam năm 2023.

Xuất khẩu ngành dệt may 11 tháng 2022 đạt gần 41 tỷ USD

Tại "Hội nghị tổng kết ngành dệt may năm 2022" ngày 16/12, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, ngành dệt may năm 2022 dự kiến vẫn về đích với 43-44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021.

Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất với hơn 18 tỷ USD, Hàn Quốc là 4,2 tỷ USD, Nhật Bản là 3,9 tỷ USD, Trung Quốc là gần 3,9 tỷ USD…

Số liệu từ Tổng cục Thống kê 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 41 tỷ USD, gồm: xơ sợi dệt 4,306 tỷ USD, hàng dệt may 34,530 tỷ USD và hơn 2 tỷ USD nguyên phụ liệu (có tính một phần của giày dép).

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kết quả tăng trưởng xuất khẩu mà ngành dệt may đạt được trong năm 2022 là cực kỳ ý nghĩa, các thị trường chủ lực vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá. Năm qua, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn, nhất là những tháng cuối năm, cầu hàng dệt may sụt giảm mạnh.

Kết quả xuất khẩu có tăng trưởng của năm 2022 còn cho thấy, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt 15 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, tăng đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết tại các FTA.

Kịch bản nào cho ngành dệt may 2023?

Theo Chủ tịch Vitas, năm 2023 ngành dệt may đưa ra hai kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt 47- 48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn là đạt khoảng 45 - 46 tỷ USD.

Tại thời điểm này, đơn hàng xuất khẩu cho đầu năm 2023 của nhiều ngành chủ chốt trong đó có dệt may đã giảm rất sâu do bị ảnh hưởng bởi lạm phát và suy thoái, hàng tồn kho cũng gia tăng ước sụt giảm đơn hàng trong ngành dệt may trong cả quý I/2023 với mức giảm bình quân 20-27% và nhiều khả năng kéo dài hết quý II, thị trường cũng khó dự báo hơn.

Ngoài ra, ông Giang cũng cho biết, các doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều sức ép từ nhiều thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU, trong đó yêu cầu hàng dệt may phải tái chế được, có tính bền vững cao, quá trình sản xuất phải cắt giảm tối đa phát thải.

Đại diện Vitas lưu ý, doanh nghiệp sản xuất phải theo dõi sát tình hình thị trường, lựa chọn đơn hàng phù hợp để duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động trong thời gian trước mắt, nhưng không nên quá lo lắng và ký các đơn hàng dài hơi với giá thấp, về lâu dài sẽ rất thiệt thòi.

Đồng thời có các phương án dự báo để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, cân đối và duy trì dòng tiền để có thể tận dụng cơ hội kinh doanh ngay khi thị trường phục hồi.

Đối với trách nhiệm của Hiệp hội, ông Giang cho biết sẽ đề xuất duy trì chính sách thuế VAT 8%; có giải pháp hỗ trợ người lao động như cho doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội 1 - 2 tháng; đồng thời có chính sách ưu đãi về điện, xăng dầu, đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động...

Tin liên quan

Đọc tiếp