Toàn cảnh ĐHĐCĐ EVF. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN |
Tính đến 8h30 sáng, Đại hội có sự tham dự của 88 cổ đông (trực tiếp và ủy quyền), đại diện cho hơn 368 triệu cổ phần, tương đương hơn 52% vốn điều lệ công ty.
Theo tờ trình cổ đông, HĐQT EVNFinance đánh giá, trong bối cảnh năm 2023 còn nhiều khó khăn, công ty đã đảm bảo duy trì chất lượng tài sản, an toàn thanh khoản, giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn chất lượng tài sản, an toàn vốn và các chỉ tiêu thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước.
Chờ đợi gì từ Đại hội đồng cổ đông của EVNFinance
Trong năm 2023, lợi nhuận trước thuế của EVF đạt 409,3 tỷ đồng, tương đương 73% kế hoạch ĐHĐCĐ giao. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản và tổng nguồn vốn huy động đạt 49.221 tỷ đồng và 39.351 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 7% so với thời điểm đầu năm.
EVNFinance trong năm 2023 cũng tiến hành tăng vốn điều lệ từ 3.510 tỷ đồng lên 7.042 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Sang năm 2024, HĐQT EVF định hướng tiếp tục tăng quy mô tổng tài sản, tăng trưởng lợi nhuận phù hợp với kết quả tăng vốn điều lệ đã thực hiện thành công ở năm 2023; tìm kiếm, phát triển quan hệ với các nhà đầu tư chiến lược, tăng năng lực nguồn vốn chủ sở hữu.
Trong năm 2024, EVN Finance đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 54.500 tỷ đồng, tăng lần lượt 43% và 10% so với năm 2023.
Căn cứ chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024, các tổ chức tín dụng được khuyến khích chi trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất.
Do đó, HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8%. Số cổ phiếu phát hành để chi trả cổ tức dự kiến là 56,33 triệu cổ phần. Bên cạnh đó, EVNFinance còn muốn phát hành thêm 7,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP).
Nếu thực hiện thành công hai phương án trên, vốn điều lệ của EVF sẽ tăng thêm 638,4 tỷ đồng lên 7.680,9 tỷ đồng.
2024 cũng sẽ là năm thứ 4 liên tiếp EVF tiến hành tăng vốn. Như đã được Mekong ASEAN đề cập ở bài viết trước, EVNFinance được thành lập vào năm 2008 với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng. Phải tới năm 2020, công ty mới có lần tăng vốn đầu tiên, thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Đây cũng là giai đoạn nhóm lãnh đạo của Tập đoàn Amber (Amber Holdings) hiện diện mạnh mẽ ở EVF.
Một trong những nội dung đáng chú ý khác sẽ được thảo luận tại đại hội là việc giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 50% xuống còn 15% vốn điều lệ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước có tiềm năng và mong muốn tham gia làm cổ đông của EVNFinance.