HĐQT LPBank sẽ trình cổ đông phương án chào bán thêm tối đa 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 25.576 tỷ đồng lên 33.576 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN |
Theo danh sách chốt ngày 15/2/2024, tổng số cổ đông có quyền dự họp là hơn 37.178 cổ đông. Tính đến 13h45 ngày 17/4, đại hội có sự tham dự của 114 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 2,204 tỷ cổ phần, chiếm 86,18% vốn điều lệ LPBank.
Số lượng cổ đông của LPB giảm đáng kể so với thời điểm cuối năm 2023 (41.294 cổ đông) và cuối năm 2022 (65.474 cổ đông).
Trong khi đó, số lượng cổ đông tham dự đại hội giảm tương đối mạnh so với các kỳ trước (330 cổ đông đối với năm 2023 và 360 cổ đông với năm 2022), tuy nhiên túc số lại tăng lên đáng kể so với mức 66,65% của năm 2023 và 65,88% của năm 2022.
Về kết quả hoạt động năm 2023, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy đánh giá dưới điều hành linh hoạt, bám sát thị trường, LPBank đã đạt được những kết quả kinh doanh vượt chỉ tiêu được ĐHĐCĐ giao.
Cụ thể, tổng tài sản và huy động vốn của LPBank lần lượt tăng 17% và 13,7% so với năm 2022, hoàn thành tương ứng 102% và 96% kế hoạch cho năm 2023. Lãi trước thuế đạt 7.039 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022 và vượt 17% chỉ tiêu lợi nhuận.
Trong năm 2023, LPBank đã thực hiện thành công 2 đợt tăng vốn điều lệ, đưa tổng mức vốn điều lệ tăng gần 48% so với năm 2022, đứng thứ 2/20 ngân hàng niêm yết thực hiện tăng vốn. Theo đó, LPB đã phát hành 328,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chào bán thêm 500 triệu cổ phiếu cho công chúng, đưa vốn điều lệ lên mức 25.576 tỷ đồng.
Tại đại hội lần này, ban lãnh đạo LPBank trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 49,1% so với năm trước, tổng tài sản đến cuối năm đạt 427.260 tỷ đồng, tăng 11,5% so với đầu năm. Huy động thị trường dự kiến đạt 317.380 tỷ đồng, tăng 11,2%; tín dụng thị trường 1 dự kiến tăng 15,8% lên 319.140 tỷ đồng.
Cùng với đó, cổ đông của LPBank sẽ xem xét thông qua việc đổi tên ngân hàng từ "Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt" thành "Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam".
Việc đổi tên, theo ban lãnh đạo LPBank, nhằm thể hiện định hướng phát triển mới, nâng tầm vị thế và hình ảnh của ngân hàng, đồng thời cũng là 'bước ngoặt trọng đại' trong lịch sử hoạt động.
HĐQT LPBank xin cổ đông được toàn quyền chủ động quyết định điều chỉnh/thay đổi tên gọi mới (ngoài tên gọi nêu trên) nếu thấy cần thiết hoặc theo ý kiến của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu
Đáng chú ý, ban lãnh đạo LPBank đề xuất không chia cổ tức trong 3 năm tới nhằm từng bước xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính thông qua việc sử dụng lợi nhuận để bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đầu tư vào các dự án trọng điểm.
"Đây là một phần trong chiến lược dài hạn của ngân hàng để tăng cường và tạo ra giá trị cao cho cổ đông trong tương lai," tờ trình của HĐQT LPBank nêu.
Ngoài ra, HĐQT LPBank còn trình cổ đông phương án chào bán thêm tối đa 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 25.576 tỷ đồng lên 33.576 tỷ đồng. Giá chào bán tối thiểu là 10.000 đồng/CP.
Ban lãnh đạo LPBank đề xuất không thực hiện 2 phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, bao gồm: Chào bán 300 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành 10 triệu cổ phiếu theo theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).