Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Kiều Chinh - Mekong ASEAN |
Sáng 27/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - HoSE: VCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 tại Hội trường Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VCB, khu đô thị Ecopark, Hưng Yên.
Tiếp tục dùng toàn bộ lợi nhuận 2023 để chia cổ tức
Phát biểu tại ĐHĐCĐ, ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên HĐQT Vietcombank cho biết ngân hàng tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn khoảng 27.700 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018 và kế hoạch phát hành riêng lẻ tỷ lệ 6,5%.
Trong tờ trình tới các cổ đông, Vietcombank cho biết lợi nhuận sau thuế của ngân hàng riêng lẻ là 32.438 tỷ đồng. Sau khi được điều chỉnh tăng từ lợi nhuận năm trước và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại là 24.987 tỷ đồng.
Theo tờ trình, Vietcombank sẽ dùng toàn bộ số lợi nhuận này để chia cổ tức. Tuy nhiên, việc chia cổ tức theo hình thức nào (cổ phiếu hay tiền mặt) không được nêu trong văn bản. Đồng thời, ngân hàng cũng cần sự phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để có thể chia cổ tức.
Trước đó, Vietcombank cũng đã công bố kế hoạch tương tự về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cho 21.680 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2022. Đồng thời, ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 đã thông qua kế hoạch tăng vốn khoảng khoảng 27.700 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018.
Nếu Vietcombank được phê duyệt chia cổ tức bằng cổ phiếu cho toàn bộ số lợi nhuận còn lại năm 2023 và hoàn thành tất cả phương án nêu trên, vốn điều lệ của ngân hàng có thể lên tới 130.243 tỷ đồng. Hiện nay, vốn điều lệ của Vietcombank là 55.891 tỷ đồng.
Mục tiêu tổng tài sản gần 2 triệu tỷ đồng
Cũng tại ĐHĐCĐ, Ban lãnh đạo Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8% trong năm 2024, điều chỉnh phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được giao. Như vậy có thể ước tính tổng tài sản của Vietcombank sẽ tiến sát mốc 2 triệu tỷ đồng.
Huy động vốn thị trường 1 dự kiến cũng tăng 8% và được điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng tín dụng được giao. Ước tính, tổng huy động TT1 có thể đạt 1,52 triệu tỷ đồng.
Trong năm 2024, Vietcombank cũng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% và lợi nhuận trước thuế sẽ theo phê duyệt của NHNN.
Dự kiến nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém trong năm 2024
Liên quan đến chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, ông Đỗ Việt Hùng chia sẻ, năm 2022, ngân hàng đã trình ĐHĐCĐ kế hoạch chi tiết. Về lợi ích khi nhận chuyển giao, ngân hàng sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, đã được Luật Tổ chức tín dụng 2024 quy định.
Ngoài ra, tổ chức nhận chuyển giao sẽ có quyền định đoạt, xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc. Dự kiến việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm 2024.
Chia sẻ thêm về tiến độ, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho hay, ngân hàng đã hoàn thiện phương án, đang trình NHNN phê duyệt. Theo kế hoạch, dự kiến sẽ tiến hành trong năm 2024.
"Để chuẩn bị, Vietcombank đã có giải pháp cụ thể, không bị động, đảm bảo suôn sẻ, đúng lộ trình," Tổng Giám đốc Vietcombank thông tin.
Vietcombank cũng tổ chức tiểu ban rà soát mạng lưới, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực với cán bộ quản lý, nhân viên, phát hiện lỗ hổng về trình độ, chuyên môn và xây dựng chương trình đào tạo, sớm hòa nhập theo tiêu chuẩn. Ngân hàng cũng thành lập tiểu ban rà soát giải pháp hỗ trợ đối với bán buôn, bán lẻ cho tổ chức tín dụng yếu kém nhận chuyển giao.
Về khoản nợ xấu có khả năng mất vốn trong tiền gửi và cho vay tổ chức tín dụng khác, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Phùng Hải Yến cho hay, từ năm 2015, Vietcombank đã hỗ trợ về kỹ thuật cho CBBank. Năm 2022, Vietcombank đã cho vay 10.000 tỷ đồng và 6.700 tỷ đồng vào năm 2023.
Theo quy định, các khoản vay này được xếp vào nợ nhóm 5. Tuy vậy, trong quý I/2024, sau khi hoàn nhập, số dư của những khoản nợ này đã giảm về 1.000 tỷ đồng.
Hết quý 1/2024, nợ xấu của Vietcombank tăng từ 0,99% lên 1,22%. Lãnh đạo ngân hàng cam kết tại ĐHĐCĐ nợ xấu năm nay kiểm soát dưới 1,5%.