Phát biểu tại Tọa đàm "Cung ứng điện cho năm 2024 - Những vấn đề cấp bách đặt ra" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 7/11, PGS TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho hay, thời gian vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những nỗ lực trong việc chỉ đạo ngành điện. Tuy vậy ngành vẫn còn những bất cập.
Bất cập từ quy hoạch đến tổ chức quy hoạch ở cả 3 khâu: Sản xuất, truyền tải và phân phối. Về mặt cơ cấu, giá thành, cung ứng điện gồm có 4 phần: Sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ. Riêng phần sản xuất đang chiếm 70-80% cơ cấu giá thành. Phần nguồn điện, cơ bản hiện nay, các biến động của đầu vào sẽ dẫn đến biến động của nguồn điện.
PGS TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc phát biểu tại tọa đàm. Nguồn: VGP. |
Các phần còn lại, từ truyền tải đến phân phối, đến bán lẻ, giá điện do Chính phủ quy định và thẩm quyền là của Thủ tướng Chính phủ. "Vì vậy chúng tôi luôn mong muốn và kỳ vọng là cơ chế điều chỉnh giá của Chính phủ mang hơi hướng, tín hiệu của thị trường", ông Bùi Xuân Hồi bày tỏ.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho rằng, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Nhiên liệu đầu vào của ngành điện là thị trường mang tính chất quốc tế, do đó, nếu thị trường thế giới biến động thì Việt Nam cũng biến động tương tự.
Trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho ngành biến động tăng mạnh. Tuy nhiên, thời lượng, chu kỳ điều chỉnh giá điện ở trong nước chưa thực sự đảm bảo theo tín hiệu của thị trường. Điều này dẫn đến ngành điện hoạt động tương đối khó khăn.
Về hệ lụy, ông Hồi cho rằng, những rủi ro có thể không đến ngay, nhưng chỉ cần thiếu điện ở miền Bắc trong thời gian rất ngắn thì theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới đã thiệt hại lên đến 1,4 tỷ USD.
“Do đó, chúng ta phải cân nhắc rất rõ, rất kỹ lưỡng bài toán điều tiết giá điện, phản ánh hơi hướng của thị trường, để đảm bảo ngành phát triển bền vững, và từ đó nền kinh tế mới phát triển bền vững và an sinh xã hội mới được đảm bảo”, ông Hồi nêu quan điểm.
Cũng bàn về câu chuyện giá điện, PGS TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, vấn đề giá điện hiện nay là một điểm nghẽn trong thúc đẩy đầu tư nguồn điện. Dẫn lại câu chuyện miền Bắc thiếu điện cục bộ trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, ông Long nhấn mạnh, phải đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện. Muốn gỡ được nút thắt này thì phải xem xét kỹ lưỡng nguyên nhân, kể cả khách quan cũng như chủ quan…
Trong điểm nghẽn của giá điện, theo ông Long, có vài điểm cần xem xét là cơ chế điều hành giá điện của nước ta phân thành: Sản xuất, hành chính sự nghiệp và giá điện sinh hoạt. Công luận đang đòi hỏi xem xét lại việc giá điện sinh hoạt bù cho sản xuất, bù cho sản xuất thì giá điện sản xuất thấp, điều này cũng có mặt tích cực nhưng đồng thời cũng có mặt tiêu cực.
Tích cực là giá điện sản xuất thấp thì sẽ thu hút được đầu tư, tiết kiệm được chi phí làm cho giá thành giảm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng mặt hạn chế là thông qua việc giá điện thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu, mà công nghệ lạc hậu thì hiệu quả lại không tốt.
"Đó là một trong những bất cập của giá điện mà trên nghị trường Quốc hội, các đại biểu cũng đặt câu hỏi. Hiện nay, Chính phủ cũng đang đề nghị xem xét lại biểu giá điện", PGS TS Ngô Trí Long chỉ ra.
Cũng theo ông Long, hiện nay Chính phủ và các cơ quan chức năng đang xây dựng biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc và đang tiến hành cải cách làm sao cho phù hợp. Xây dựng biểu giá điện mới sao cho hợp lý, bảo đảm mục tiêu là một bài toán khó.
“Khi quyết định giá, phải tính đúng, tính đủ, kịp thời. Đúng, đủ nhưng phải 3 năm sau mới 'kịp thời' thì không nên. Trong tình hình như vậy, theo quan điểm cá nhân tôi, đối với một lĩnh vực độc quyền do Nhà nước quyết định, chúng ta tính toán đầy đủ chi phí, tính đúng, tính đủ, tính hợp lý và kịp thời để đủ bù đắp chi phí, có mức lãi nhất định, như vậy mới có nguồn cung ứng đảm bảo”
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, ngành điện là lĩnh vực rất kỹ thuật, để có cái nhìn khách quan, chính xác không phải là dễ. Vấn đề giá cả ngành điện là một vấn đề kỹ thuật, phải có được những dữ liệu đầy đủ, phải có hiểu biết chuyên sâu về ngành điện cũng như những yếu tố cấu thành giá điện. Vì vậy, phải có cải cách về giá điện là rất cần thiết.
Về đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề tính giá điện, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, đầu tiên là trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024 phải đảm bảo truyền thông về giá điện một cách khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực trạng của ngành điện Việt Nam.
Tiếp đó là phải giải được bài toán giữa tập trung và phân tán của ngành điện, vì nếu phân tán thì chúng ta sẽ giảm được phí truyền tải, giảm được rất nhiều chi phí đầu tư cho lưới. Nhưng nếu tập trung như bây giờ thì sẽ phải tính thêm phí đầu tư truyền tải vào giá thành của 1 kW điện.
TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại tọa đàm. Nguồn: VGP. |
Kiến nghị tiếp theo là phải hạch toán đúng phần hỗ trợ vào sản lượng điện và thực hiện an sinh xã hội. "Chúng ta phải tính đầu tiên bán được 1 kW điện là phải thu về được 2.200 đồng, trong đó Nhà nước thực hiện hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 1.000 đồng vì EVN là doanh nghiệp Nhà nước.
Hạch toán trên sổ của EVN vẫn có khoản thu đó, nhưng không tính được. Lúc đó, chúng ta mới đảm bảo tính được đầy đủ hạch toán của giá điện. Hạch toán phải ban hành được giá FiT theo vùng, miền và theo loại hình sản xuất, sử dụng năng lượng, sử dụng nhiên liệu", ông Kiên nêu.
Cuối cùng, ông Kiên kiến nghị là phải tính truyền tải vào trong chi phí và tổng mức đầu tư như là tổng sơ đồ điện VIII dự kiến vì tổng mức đầu tư của đường truyền tải, đặc biệt đường 500 KV vô cùng lớn. Lý do bởi nếu không tính vào và có cơ chế TTP để thực hiện thì không thể thu hút được các nhà đầu tư.