Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Tập đoàn Vingroup. |
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Ai bảo làm việc lớn là dễ dàng?
Trả lời cổ đông về lo ngại việc dồn lực cho VinFast sẽ ảnh hưởng đến tương lai của Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng cho biết, tập đoàn chưa bao giờ chậm một đồng lãi nào. Vingroup luôn vạch ra, cân đối nghiêm túc trong việc thanh toán nguồn vốn vay. “Đương nhiên sẽ có những khó khăn. Ai bảo làm việc lớn là dễ dàng? Nếu dễ dàng thì chẳng cần chúng ta phải làm,” ông Vượng nói.
Theo ông Phạm Nhật Vượng, VinFast không chỉ là dự án kinh doanh mà còn là dự án trách nhiệm xã hội. VinFast không chỉ muốn sản xuất được xe mà còn muốn vào top đầu thế giới. Ông Vượng tự tin khẳng định xe điện sẽ là tương lai của thế giới trong bối cảnh những tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường.
“Tất cả cho VinFast, tất cả cho chiến thắng. Đó là câu chuyện về đẳng cấp, trách nhiệm của chúng ta. Vừa qua tôi đã cam kết dành 1 tỷ USD cho VinFast. Tôi sẽ tiếp tục thu xếp tài sản của mình cho VinFast, ít nhất là 1 tỷ USD nữa", ông Vượng trả lời quyết liệt,” ông Vượng nêu quyết tâm lớn và kêu gọi tất cả mọi người đồng lòng tham gia để giấc mơ xe điện của Việt Nam thành sự thật.
Tỷ phú Trần Đình Long: Hoà Phát sẽ chỉ làm những việc khó
Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch mở rộng công suất ống thép và tôn, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát (HPG) cho biết, ống và tôn là những sản phẩm truyền thống, tương đối dễ làm. Trong khi đó, định hướng của Hoà Phát thời gian tới là “chỉ làm những việc khó”. Vì vậy công ty sẽ chỉ đầu tư quy mô vừa và nhỏ cho sản phẩm này.
“Hoà Phát sẽ nghiên cứu các sản phẩm hàm lượng công nghệ cao, khó, đầu tư lớn, đáp ứng sản xuất ô tô, đóng tàu, quân sự, thép chế tạo...,” ông Long nói. Chủ tịch HPG tiết lộ thêm, công ty đang nghiên cứu sản xuất hai sản phẩm cực khó và chưa phổ biến ở Việt Nam. Đó là tôn silic - sản phẩm sử dụng trong máy biến áp điện, động cơ và máy phát điện, dùng cho xe điện; và thép đường ray chất lượng cao, đáp ứng cho tàu chạy vận tốc 800-1.000 km/h.
Ông Trần Đình Long tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Hoà Phát. |
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: “Tuệ - Bán - Xe - Số - Xanh”
“Tuệ - Bán - Xe - Số - Xanh” là 5 từ khoá mà ông Trương Gia Bình cho rằng đã quyết định lịch sử của nhân loại trong 3/4 thế kỷ vừa qua, và sẽ tiếp tục duy trì trong 1/4 thế kỷ còn lại. Đó là viết tắt của AI, bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. “Với 5 từ khoá đó, Việt Nam được chọn, thời khắc của chúng ta đã đến,” ông Bình nhấn mạnh khi chia sẻ với cổ đông.
Đặc biệt với ngành bán dẫn, ông Trương Gia Bình cho rằng nhiều quốc gia nhờ nó đã đổi vận mệnh dân tộc. Các quốc gia/vùng lãnh thổ nổi tiếng về bán dẫn bắt đầu làm bán dẫn khi nghèo và đã đổi đời nhờ bán dẫn. Bằng chứng là năm 2022, Đài Loan (Trung Quốc) đã vượt GDP đầu người Nhật Bản. Tuy nhiên sau này, lao động tại các quốc gia/vùng lãnh thổ này lại không chọn làm bán dẫn nữa.
Chính vì vậy, ngành bán dẫn trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang có nhu cầu lớn khủng khiếp về nguồn nhân lực và Việt Nam được chọn bởi chính lợi thế này.
Ông Trương Gia Bình chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của FPT. |
Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài: Nhân tài là người có đầu óc logic, CPU chạy ổn
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc làm thế nào để MWG có thể phát hiện ra thêm những người có tố chất rồi đưa lên làm lãnh đạo phục vụ công ty, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng nhân tài là một người có đầu óc logic, CPU (bộ não) chạy ổn. “Các bạn có đủ thông tin, khi đưa vào CPU của các bạn mà nó chạy ổn thì bạn sẽ đưa ra quyết định hiệu quả. Đó là mấu chốt của vấn đề,” ông Tài nói.
Chủ tịch của MWG cũng chia sẻ thêm rằng việc ông chọn được những lãnh đạo như ông Phạm Văn Trọng - CEO Bách Hóa Xanh hay ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO hai chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh... còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có yếu tố niềm tin. Ông chọn những người không bao giờ "lừa thầy bán bạn", có tâm, có góc nhìn về quản trị. Ông cũng không thích những người "hệ chém đinh chặt sắt" hay coi con người như công cụ.
Tôi không bao giờ chỉ cảm một ai rồi đưa lên làm lãnh đạo. Tôi cũng không bao giờ nhìn vào phong thái. Nhìn vào mấy cái đó rồi lại chọn tầm bậy. Cảm nhiều thì hay chết nhiều, lái máy bay đâu thể chỉ cảm được, cảm nhiều thì chỉ có va vào núi.
CEO Vinamilk Mai Kiều Liên: Tôi chẳng bao giờ để ý giá cổ phiếu
Điểm nhấn mùa đại hội: Nhộn nhịp chuyển giao nhân sự cấp cao
Điểm nhấn mùa đại hội: Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng ngày trở lại
Điểm nhấn mùa đại hội: Tới tấp kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn
Khi được cổ đông hỏi đánh giá như thế nào về giá cổ phiếu VNM hiện tại và vị thế của doanh nghiệp, bà Mai Kiều Liên - CEO Vinamilk cho biết: “Tôi chẳng bao giờ để ý giá cổ phiếu. Tôi có quá nhiều việc nên không có thời gian để ý giá cổ phiếu lên hay xuống. Giá cổ phiếu ở thị trường Việt Nam có nhiều tác động. Vinamilk chỉ cố gắng sản xuất kinh doanh tốt, đảm bảo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và cổ tức. Việc thị trường kỳ vọng ra sao nằm ngoài tầm kiểm soát của lãnh đạo Vinamilk”.