Các diễn giả tại Hội nghị tập trung bàn luận về khả năng thích ứng của ngành gỗ trước quy định mới về rừng của EU. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), 2023 là một năm thách thức thức đối với ngành gỗ khi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường chính như Mỹ, EU co hẹp, sụt giảm đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải đóng cửa.
11 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt 12,4 tỷ USD, tương đương 82,5% thực hiện cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm từ 20 – 30%. Theo ông Lập, nếu đà xuất khẩu giữ mức như hiện nay thì trị giá xuất khẩu gỗ cả năm ước đạt 13,5 tỷ USD đến 14 tỷ USD, giảm 14 – 16% so với năm 2022.
Ông Lập cũng cho biết, bên cạnh khó khăn về thị trường, ngành gỗ còn đối mặt với các vấn đề lớn khác. Chia sẻ tại tọa đàm “Phát triển bền vững và những thách thức đặt ra cho ngành gỗ” diễn ra chiều ngày 21/12 do Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp tổ chức, ông Lập cho rằng, các thị trường lớn ngày càng có quy định chặt chẽ về tính hợp pháp, bền vững của sản phẩm.
Tháng 6/2023, Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) bắt đầu có hiệu lực. Với việc EUDR có hiệu lực, các mặt hàng gỗ nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo hợp pháp, không gây mất rừng và suy thoái rừng. Bên cạnh đó là vấn đề yêu cầu trong nước và nước xuất khẩu về mức phát thải carbon, hướng đến mục tiêu net zero.
Cũng theo ông Lập, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 – 2 triệu m3 gỗ tròn và xẻ gỗ nguyên liệu. “Điều này không chỉ tác động tiêu cực toàn ngành gỗ Việt Nam mà còn làm mất cơ hội sử dụng gỗ rủi ro thấp, đặc biệt sử dụng nguồn gỗ rừng trong nước an toàn, hợp pháp bền vững”, ông Lập nhận định.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Nói rõ hơn về quy định EUDR, ông Hoàng Thành – đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, mục tiêu của quy định này nhằm giảm thiểu rủi ro sản phẩm trong chuỗi cung ứng liên quan đến mất rừng, suy thoái rừng xuất nhập khẩu của EU; tăng nhu cầu mua bán sản phẩm hợp pháp, không liên quan gây mất rừng,
Theo ông Thành, một trong những yêu cầu quan trọng của EUDR là vấn đề truy xuất nguồn gốc. “Đây là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu các mặt hàng, bao gồm gỗ để đảm bảo sản phẩm không liên quan đến mất rừng, suy thoái rừng. Do đó, mỗi doanh nghiệp xuất khẩu vào EU phải công bố, đáp ứng và cam kết doanh nghiệp của mình tuân thủ hoàn toàn quy định này”, ông Thành nói.
Doanh nghiệp lớn sẽ có 18 tháng, quy mô nhỏ và vừa với 24 tháng (tính từ ngày EUDR có hiệu lực vào 29/6/2023) để chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu của quy định EUDR.
Các thông tin liên quan doanh nghiệp giải trình như tên doanh nghiệp, địa chỉ, các nhà cung cấp, vị trí địa lý các lô thửa đất sản xuất nông nghiệp, mã HS các mặt hàng và sản phẩm, tên khoa học nơi các hàng hóa mà chúng đã được trồng để các mặt hàng này có thể được kiểm tra tuân thủ...
Cuối tháng 12/2024, EU sẽ xây dựng và vận hành hệ thống dữ liệu để giúp doanh nghiệp cung cấp thông tin. Dữ liệu này sau đó có thể được kiểm tra bởi các cơ quan có thẩm quyền ở các quốc gia thành viên EU. Các cơ quan có thẩm quyền của EU sẽ có quyền truy cập vào thông tin liên quan do các công ty cung cấp như tọa độ định vị địa lý. Họ sẽ tiến hành kiểm tra bằng các công cụ giám sát vệ tinh và phân tích DNA để xác minh nguồn gốc của sản phẩm.
Dưới góc độ cơ quan Nhà nước, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo chia sẻ, Việt Nam đã đóng cửa rừng tự nhiên chính thức từ năm 2017, như vậy về mặt thế chế, Việt Nam không phá rừng tự nhiên để triển khai đối với mặt hàng rừng trồng.
Tuy nhiên, diện tích rừng trồng của Việt Nam chủ yếu là hộ nhỏ lẻ nên vấn đề truy xuất nguồn gốc thể hiện địa lý rất khó. Mặt khác, dù quý 1/2024 EU sẽ có hướng dẫn chính thức, cuối quý 4 sẽ công bố xếp hạng rủi ro (thời điểm các doanh nghiệp lớn phải đưa ra các thông tin đáp ứng của mình) nhưng đến hiện tại thông tin xử phạt như thế nào vẫn còn mơ hồ. Ví dụ thẻ vàng IUU, một vài tàu cá vi phạm thì phạt cả quốc gia.
Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN “Trong nhóm mặt hàng, ngành gỗ không phải ngành rủi ro lớn mà là ngành cà phê. Hiện tổng diện tích trồng cà phê là 700.000 ha nhưng 1/3 diện tích xen lẫn trong rừng. Vậy nếu ngành cà phê bị rút thẻ trước quy định của EUDR thì ngành gỗ có bị ảnh hưởng không?”
Ông Bảo cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp gỗ cần chủ động trong việc cung cấp thông tin. Bởi thị phần xuất khẩu gỗ sang châu Âu rất lớn, khoảng 1 tỷ USD, nếu doanh nghiệp xem xét xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ rồi theo chuỗi xuất sang châu Âu thì thị trường này vẫn sẽ truy xuất nguồn gốc về phía Việt Nam.
Trước tình hình trên, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, ngay sau khi có hướng dẫn của EU, Cục sẽ chủ động triển khai các lớp tập huấn, tuyên truyền quảng bá thông qua các diễn đàn và hướng dẫn đến tận người nông dân.
Thứ hai, đối với khả năng xây dựng nền cơ sở dữ liệu rừng toàn quốc để truy xuất tất cả các hộ gia đình, ngành gỗ sẽ chọn một vài điểm thí điểm, sau đó cùng địa phương, doanh nghiệp liên kết vùng trồng, xây dựng hệ thống truy xuất.