Doanh nghiệp nên đầu tư cho các vườn ươm

Sáng tạo Việt nAM
07:00 - 25/03/2022
Thương mại hóa dự án đổi mới sáng tạo trong các trường đại học còn nhiều vướng mắc. Ảnh: UNICEF Việt Nam.
Thương mại hóa dự án đổi mới sáng tạo trong các trường đại học còn nhiều vướng mắc. Ảnh: UNICEF Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Mối quan hệ 3 bên giữa Chính phủ - doanh nghiệp và trường đại học được coi là quan hệ cốt lõi của đổi mới sáng tạo, tuy nhiên đại diện một số trường cho rằng còn thiếu các chính sách thúc đẩy hệ sinh thái này, khó thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu. 

Việt Nam đã đặt cho mình một mục tiêu đầy tham vọng là đạt được trạng thái quốc gia có thu nhập cao (HIC) vào năm 2045. Mục tiêu này đòi hỏi rất nhiều sự chuyển đổi quan trọng, bao gồm việc đa dạng hoá các chiến lược tăng trưởng dựa trên cải tiến năng suất và đổi mới sáng tạo.

Tại hội thảo “Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo liên kết với thị trường trong các trường đại học tại Việt Nam”, chiều 24/3 đại diện đến từ các trường đại học, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) đều khẳng định, đổi mới sáng tạo là chìa khóa duy nhất để nâng cao hiệu quả năng suất lao động, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Câu hỏi đặt ra là yếu tố nào đang cản trở việc kết nối hiệu quả hơn mối quan hệ giữa các cơ sở đại học, khả năng nghiên cứu của họ với nhu cầu của doanh nghiệp, tức là khả năng thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu đó ra thị trường, phục vụ nhu cầu xã hội.

Các sản phẩm nghiên cứu cần được thương mại hoá qua bàn tay DN

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng cần xây dựng được mối hợp tác công tư tốt thì mới có thể thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu của các cơ sở đại học.

Theo TS. Lan, Học viện Nông nghiệp luôn xác định việc tạo được sự đồng hành giữa nhà trường và các doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng: “Các sản phẩm do trường nghiên cứu phải có bàn tay của doanh nghiệp tham gia để thương mại hóa".

"Trường có nhiều hợp tác với các tập đoàn lớn trong ngành nông nghiệp và cả các tập đoàn năng lượng để thực hiện các dự án đặt hàng với sự tư vấn 2 bên, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, với sự tham gia của nhiều sinh viên, cán bộ trẻ”, bà Lan cho biết.

Ảnh tác giả

“Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn thấy rất nhiều thiếu hụt từ chủ trương, chính sách đến những quy định dưới luật. Nếu không có sự hợp tác công tư tốt sẽ không thể thương mại hóa được các dự án, sản phẩm nghiên cứu”.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Theo bà Lan, đề tài nghiên cứu rất nhiều nhưng khi thương mại hóa thì vẫn có vướng mắc về thủ tục hành chính. Phía nhà trường và doanh nghiệp đều sẵn lòng hợp tác nhưng lại thiếu cầu nối, nhất là khi vai trò của các cơ quan Chính phủ trong lĩnh vực này phần nào còn mờ nhạt.

Phải tạo được môi trường cho sự sáng tạo

Chia sẻ với ý kiến của đại diện từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS. Lê Việt Thủy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, để hình thành được hệ sinh thái nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo, yếu tố quan trọng nhất là phải tạo được môi trường cho sự sáng tạo.

Theo TS. Thuỷ, những thách thức đối với đổi mới sáng tạo liên quan nhiều đến phương pháp giảng dạy mới, kéo theo đó là đầu tư cơ sở vật chất và chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào.

Do vậy, theo TS. Thuỷ, định hướng của Đại học Kinh tế Quốc dân cho hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ đi theo 3 hướng. Đầu tiên là “đi tiên phong”, trường sẽ ủng hộ việc thử nghiệm ý tưởng mới, tạo môi trường cho sự sáng tạo.

Thứ hai là “truyền cảm hứng” bằng việc thông qua các ý tưởng, sản phẩm được đưa ra thị trường để truyền được tinh thần khởi nghiệp, ý tưởng dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận rủi ro.

Cuối cùng, là “tạo tác động” thông qua ưu tiên thương mại hoá các sản phẩm, dịch vụ có tính khả thi về tài chính, từ đó tạo ra những tác động tích cực đến cộng đồng.

Để hoạt động đổi mới sáng tạo của Đại học Kinh tế Quốc dân tiếp tục phát triển hơn trong thời gian tới, TS. Thủy đưa ra đề xuất với Ngân hàng Thế giới (World Bank) về việc hỗ trợ xây dựng “Dự án phát triển trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành trường đại học hàng đầu về đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu”.

Trong đó, một cấu phần quan trọng là hình thành và phát triển hệ sinh thái gắn kết giữa nhà trường, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên.

Ảnh tác giả

“Các cơ quan quản lý cần sớm có các quy định/chính sách sandbox về gọi vốn, hỗ trợ các startup từ địa điểm làm việc, thuế, vốn đầu tư, sở hữu... đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục đấu thầu, xác lập quyền sở hữu công nghiệp..."

TS. Lê Việt Thủy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin,
Đại học Kinh tế Quốc dân

Cũng đề cập đến việc tăng cường chia sẻ, hợp tác giữa các trường đại học, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin, Đại học kinh tế quốc dân cho rằng bản thân các cơ sở đại học cần tăng cường chia sẻ nguồn lực, tận dụng thế mạnh của từng đơn vị (Tech: ĐH bách khoa; Non-Tech: Đại học Kinh tế ...) trong nghiên cứu và thực hành đổi mới sáng tạo.

Đề án thí điểm về thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các trường đại học

Thông tin về các chính sách mới nhằm đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho biết, Bộ KHCN sẽ trình đề án thí điểm về thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các trường đại học lên Chính phủ trong năm nay từ đó đề xuất sửa một số luật “mở đường”.

Các trường cần chuẩn bị và ưu tiên những tiền đề đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Theo ông Quất, về nguồn vốn, nguồn lực, nguồn nhân lực tốt của các trường không thiếu nhưng lại thiếu những kiến trúc sư, các huấn luyện viên tài năng thúc đẩy dự án.

“Các trường cần sớm hình thành các không gian làm việc chung, các cán bộ cần hỗ trợ, chăm sóc hỗ trợ startup, từ đó hấp dẫn các quỹ đầu tư”, TS. Phạm Hồng Quất đề nghị.

Ảnh tác giả

DOANH NGHIỆP NÊN ĐẦU TƯ
CHO CÁC VƯỜN ƯƠM

“Tôi cho rằng cần có nhiều sáng kiến hơn nữa, các tập đoàn có thể đưa ra bài toán cụ thể để các vườn ươm giải quyết và chính DN sẽ trở thành nhà đầu tư cho các vườn ươm”.

TS. Phạm Hồng Quất,
Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ

Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: Cần sự tham gia của 3 bên

Từ góc nhìn của Đại học Bách Khoa Hà Nội, một cơ sở giáo dục hàng đầu và được ưa chuộng của các công ty công nghệ, TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK Holdings nhấn mạnh, mối quan hệ 3 bên trong đổi mới sáng tạo gồm sự hỗ trợ của Chính phủ, sự tham gia của doanh nghiệp công nghệ và khả năng nghiên cứu của các trường đại học.

Đây là mối quan hệ cốt lõi và là triết lý của đổi mới sáng tạo, ông Dũng nói.

Ông Dũng cho rằng, sứ mệnh của các trường đại học có 3 trụ cột chính: đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Trụ cột thứ 3 đóng vai trò quan trọng đưa đơn vị đó thành một trường đại học sáng nghiệp.

TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK Holdings cho rằng, các trường thiếu chuyên gia được đào tạo bài bản về lĩnh vực đưa kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thương mại hoá và tạo ra được lợi ích cho xã hội.

Nhưng vấn đề là hầu như các trường chỉ tập trung ở trụ cột 1 và 2, và họ gặp nhiều trở ngại về tư duy ở trụ cột thứ 3, tức là việc đưa kết quả nghiên cứu đem lại lợi ích xã hội ra thị trường còn yếu.

Ông Dũng cho rằng, nguyên nhân là do các trường thiếu chuyên gia được đào tạo bài bản về lĩnh vực đưa kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thương mại hoá và tạo ra được lợi ích cho xã hội.

TS. Nguyễn Trung Dũng đề xuất các trường đại học cần đưa đổi mới sáng tạo vào một trong những nhiệm vụ chính, xác định đây là quá trình dài hạn.

Coi đổi mới sáng tạo là giá trị gia tăng của hoạt động đào tạo, nghiên cứu để giữ chân nhân lực giảng viên giỏi, Tổng Giám đốc BK Holdings cho rằng, có thể tùy vào đặc thù từng trường để thiết kế một mô hình phù hợp, đưa kết quả nghiên cứu từ hàn lâm ra thị trường tới các doanh nghiệp, thành lập các cty startup thuộc nhà trường.

Ông Toby Linden, Giám đốc phụ trách Giáo dục khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của World Bank khẳng định, Việt Nam đang có những chỉ số tốt về đổi mới sáng tạo toàn cầu, xếp thứ hạng tốt so với các quốc gia khác.

Tuy nhiên nếu xem xét về số lượng kết quả nghiên cứu được công bố, Việt Nam lại xếp hạng ở những top thấp.

Ảnh tác giả

“Để có một hệ thống đổi mới sáng tạo thành công cần có sự tham gia của công nghệ. World Bank sẽ tiếp tục hỗ trợ 3 trường đại học Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân và và Học viện Nông nghiệp Việt Nam, kết nối 3 trường này với thị trường thế giới, chuyên môn hóa quốc tế”.

Ông Toby Linden, Giám đốc phụ trách Giáo dục khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, World Bank

Việc kết nối các trường đại học thuộc hàng top Việt Nam với các thị trường thế giới, theo ông Toby Linden, sẽ là những cơ hội cho hợp tác lâu dài để các trường đại học tạo được những tác động rộng rãi đến nguồn nhân lực.

“Các trường đại học đóng góp rất nhiều cho đổi mới sáng tạo, đối tượng chính là sinh viên, cần trau dồi cho họ kiến thức, năng lực, kỹ năng để trở thành lực lượng lao động tiềm năng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong công việc”, ông Toby Linden nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp