Nhiều doanh nghiệp hiện nay còn chưa biết mình được hưởng những quyền lợi gì từ các ưu đãi FTA. |
Hiện Việt Nam có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 14 FTA đã có hiệu lực và một FTA RCEP sẽ có hiệu lực từ 01/01/2022. Trong đó, 4 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới gồm CPTPP, UKVFTA, EVFTA, RCEP với nhiều vấn đề mới chưa từng được đề cập đến trong các hiệp định thương mại tự do truyền thống trước đây. Một trong số đó là các cam kết đặc thù dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Các FTA được Việt Nam ký trong thời gian gần đây đã dành một số ưu tiên riêng cho các DNNVV với mục tiêu là tạo ra điều kiện thuận lợi, quy chế riêng khuyến khích, trao cơ hội cho các doanh nghiệp này từ các FTA.
Việc nhận diện những cam kết về DNNVV và đánh giá việc thực thi của Việt Nam là một trong những giải pháp để cải thiện khuôn khổ chính sách, đặc biệt là chính sách liên quan đến vấn đề hội nhập cho các doanh nghiệp.
Tại buổi tham vấn đánh giá chính sách, pháp luật hiện hành Việt Nam với cam kết về DNNVV trong các FTA ngày 23/12, ông Nguyễn Ngọc Hà, chuyên gia Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối DNNVV do USAID tài trợ (LinkSME), đã đưa ra cái nhìn tổng thể về các cam kết FTA trên khía cạnh trợ cấp và hỗ trợ riêng, mua sắm công, phòng chống tham nhũng và xây dựng pháp luật.
Về trợ cấp, hỗ trợ DNNVV, ông Hà cho biết, kết quả rà soát cho thấy Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật, chính sách về hỗ trợ các doanh nghiệp này với những biện pháp ưu đãi ở các khía cạnh khác nhau.
Các biện pháp hỗ trợ quy định trong các văn bản này đều phù hợp với các hình thức ngoại lệ ưu đãi DNNVV được phép theo các FTA nói trên, cho thấy Việt Nam đã và đang tận dụng không gian được phép trong cam kết của các FTA để thực hiện mục tiêu chính sách về trợ cấp.
“Tuy nhiên, trong chừng mực nhất định, Việt Nam chưa tận dụng hết các ngoại lệ được phép dành ưu đãi cho các doanh nghiệp. Do vậy, các tổ chức liên quan cần tiếp tục nghiên cứu để cải thiện hiệu quả thực hiện các hỗ trợ đang có. Tùy nguồn lực và bối cảnh, nhất là trong giai đoạn khôi phục sản xuất hậu COVID-19, cần tìm kiếm các hỗ trợ mới, hiệu quả và thực chất hơn cho DNNVV”, ông Hà nói.
Về lĩnh vực mua sắm công, Việt Nam đã có các ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ đối với gói thầu trong nước và ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đối với gói thầu xây lắp từ 5 tỷ đồng trở xuống. Tuy nhiên, các tiêu chí xác định thứ tự ưu tiên chưa thực sự rõ ràng và chưa tận dụng hết không gian được phép để hỗ trợ nhiều hơn các DNNVV.
Việt Nam chưa tận dụng hết các ngoại lệ được phép dành ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
Về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, các chính sách và quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam đã triển khai đầy đủ cam kết này. Trong một vài khía cạnh, các nỗ lực của Việt Nam còn đi xa hơn yêu cầu của cam kết và sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động phổ biến, tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp.
Về lĩnh vực xây dựng pháp luật, Việt Nam đã hệ thống pháp luật tương thích với cam kết trong CPTPP và đưa ra những quy định bắt buộc đánh giá tác động chính sách từ góc độ kinh tế, Tuy nhiên không có quy định nào chỉ rõ hoặc yêu cầu đánh giá tác động riêng đối với DNNVV
Do vậy, đại diện LinkSME cho rằng, các cơ quan có liên quan cần chú ý hơn nữa tới việc đánh giá tác động chính sách với riêng nhóm DNNVV và xem xét bổ sung nhóm này vào nội dung đánh giá tác động kinh tế trong Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Điều này là cần thiết khi hai hiệp định EVFTA-UKVFTA nêu rõ, Việt Nam phải nỗ lực xây dựng một môi trường pháp luật có thể dự đoán và thủ tục hiệu quả cho các chủ thể kinh tế, đặc biệt là các DNNVV.
Tiếp lời ông Hà, Bà Hoàng Ngọc Oanh, chuyên gia tư vấn LinkSME đã đưa ra những thông tin về khía cạnh thương mại điện tử. Bà Oanh cho biết, về cơ bản Việt Nam đã có các quy định và chính sách nhằm hỗ trợ SME vượt qua các cản trở trong sử dụng thương mại điện tử. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của các giải pháp này, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ còn hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế, cần có các giải pháp để triển khai quyết liệt, hiệu quả và thực chất Quyết định 645/QĐ-TTg và các quy định, chính sách liên quan tới hỗ trợ chuyển đổi số liên quan, có tổng kết hàng năm về tình hình triển khai và các kết quả đạt được. Xây dựng các kế hoạch hỗ trợ SME thực hiện thương mại điện tử trong bối cảnh hội nhập FTA và COVID-19.
Về khía cạnh hải quan, bà Oanh nhận định, tuy Việt Nam đã bước đầu đảm bảo được các nguyên tắc: đơn giản hóa, xác định trước và doanh nghiệp ưu tiên nhưng các thủ tục hải quan nói riêng và xuất nhập khẩu nói chung vẫn còn nhiều bất cập, gây tốn kém, làm hạn chế và cản trở hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV.
Việt Nam cần tiếp tục các hoạt động cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan và tạo thuận lợi thương mại theo hướng đơn giản, minh bạch, ổn định, hiệu quả qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV, giảm chi phí tuân thủ và có thể dự liệu trước cho hoạt động kinh doanh của mình.
Về sở hữu trí tuệ, pháp luật Việt Nam đã dự liệu một số biện pháp hỗ trợ DNNVV. Trong các chương trình hợp tác, Việt Nam và các nước thành viên ASEAN – một phần của RCEP đã có các chương trình hợp tác cụ thể về chia sẻ thông tin, số liệu thống kê về sở hữu trí tuệ, tuy nhiên trong các chương trình này không tách biệt DNNVV ra thành đối tượng riêng mà tính chung vào đối tượng doanh nghiệp.
Việt Nam còn hạn chế trong các hoạt động hợp tác quốc tế về lao động Việt Nam |
Theo lời của chuyên gia LinkSME, pháp luật và chính sách hỗ trợ DNNVV về sở hữu trí tuệ đã tương đối phù hợp, vấn đề là cần tăng cường hiệu quả thực hiện các quy định và chính sách này. Việt Nam cần chủ động trao đổi và đề xuất hợp tác với các đối tác FTA trong các hoạt động nâng cao nhận thức, hiểu biết, năng lực của SME về sở hữu trí tuệ.
Về lao động, pháp luật và chính sách hỗ trợ DNNVV về nhân lực, cải thiện năng suất lao động đã tương đối đầy đủ và phù hợp. Tuy nhiên, Việt Nam còn hạn chế trong các hoạt động hợp tác quốc tế về lao động Việt Nam.
“Cần chủ động trao đổi và đề xuất hợp tác với các đối tác FTA trong các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong DNNVV, đặc biệt trong các ngành nghề mà Việt Nam đang có nhu cầu cao, ví dụ đào tạo nghề trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ về điện tử, cơ khí chính xác”, bà Hoàng Ngọc Oanh nhấn mạnh.
Để tận dụng được các ưu đãi FTA, doanh nghiệp cần chú trọng nắm bắt thông tin
Trả lời câu hỏi của MEKONG ASEAN về những khuyến nghị cho các DNNVV có thể tận dụng tối đa ưu đãi FTA mà Việt Nam đã cam kết, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ quan ngại, nhiều doanh nghiệp hiện nay còn chưa biết mình được hưởng những quyền lợi gì.
“Do đó cần bám sát quyền lợi sát sườn bằng cách nắm bắt thông tin về và thực trạng Chính phủ đang triển khai đến đâu để không bỏ lỡ. Các doanh nghiệp cần xác định rõ các nhóm quyền lợi bao gồm những cơ hội nào, cam kết từ các FTA bao gồm những gì và điều kiện tương ứng để được hưởng những cơ hội này như thế nào”.
Bà Trang lấy ví dụ, cơ hội về thuế quan là những cơ hội quan trọng mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không thể bỏ qua. Nhưng để hưởng những cơ hội này, hàng hóa của các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ và những tiêu chuẩn trong cam kết để điều chuyển sản xuất, nguồn nguyên liệu với các cách thức khác.
“Khi nhìn thấy cơ hội và biết được những yêu cầu nhưng năng lực của doanh nghiệp chưa đáp ứng được thì câu chuyện này lại liên quan đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là làm thế nào để cải thiện điều này. Mỗi doanh nghiệp cần chủ động tìm biện pháp cho mình kết hợp với tranh thủ hỗ trợ của Nhà nước”, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) khuyến nghị.
Từ kết quả rà soát cho thấy nhiều hỗ trợ Nhà nước liên quan đến đổi mới công nghệ nâng cao đổi mới chất lượng sản phẩm, nâng cao quy chuẩn kỹ thuật,quản lý, công cụ cải tiến năng suất đều bao gồm cả những hỗ trợ bằng tiền có liên quan, bà Trang cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng những hỗ trợ này cùng với những nỗ lực tự thân để nâng cao năng lực phát triển và khả năng cạnh tranh tốt hơn.
“Các hiệp định thương mại tự do giống như việc Nhà nước mở đường cho các doanh nghiệp đi, còn xe của doanh nghiệp có đủ đáp ứng tiêu chuẩn để lên được con đường đó không thì là câu chuyện thuộc về doanh nghiệp”, bà Trang nhìn nhận.
Cùng đóng góp ý kiến về câu hỏi của MEKONG ASEAN, ông Nguyễn Ngọc Hà đã đưa ra một vài góc nhìn trên khía cạnh hỗ trợ tài chính – khía cạnh được ông cho là nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất.
"Trong quá trình làm việc với một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi thấy tình trạng chung hiện nay là họ có biết được các quy định pháp luật nhưng không biết liên hệ với cơ quan hỗ trợ pháp lý hay cách làm ra sao để được hưởng những ưu đãi mà Chính phủ đã cam kết trong các FTA, nhất là các khoản hỗ trợ về tài chính".
“Bản thân tôi cũng được biết một số đề án liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa với một số lượng đối tượng nhất định như 300 hay 1.000 doanh nghiệp. Nếu chúng ta chỉ nhìn con số 300 hay 1.000 đó thì sẽ thấy nó nhỏ hơn rất nhiều so với tổng số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Điều này cho thấy, số lượng được hưởng hỗ trợ vẫn chưa được rộng khắp”, ông Hà đánh giá.
Nghị định số 80 năm 2021 đã nâng mức hỗ trợ các DNNVV lên cao hơn nhiều so với các văn bản trước đây. Có những hỗ trợ liên quan đến công nghệ thông tin có thể lên đến 100 triệu/năm/doanh nghiệp trong khi những con số trước đây chỉ khoảng 5 triệu hay 10 triệu, thể hiện sự nỗ lực lớn của Chính phủ. Và trong thời gian sẽ còn có nhiều sự hỗ trợ lớn hơn nữa của Chính phủ.
“Việc các doanh nghiệp cần làm đầu tiên là nắm được thông tin và nhanh chóng tận dụng cơ hội để chuyển mình trong bối cảnh nhiều ưu đãi từ các hiệp định tự do”, ông Hà nhấn mạnh.