Kinh doanh trà sữa tạo ra hàng loạt tỷ phú Trung Quốc
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, nhiều người dùng vẫn chi tiền cho những thú vui nhỏ. Nếu như son Chanel là món đồ yêu thích của phụ nữ phương Tây thì đối với giới trẻ Trung Quốc, trà sữa là lựa chọn để “xoa dịu” tâm hồn, là nơi để thư giãn, giải trí hoặc giải lao tại nơi làm việc, theo Bloomberg.
"Cuộc sống khó khăn và một thứ gì đó ngọt ngào sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn". Đây là câu trả lời hàng đầu cho câu hỏi "Tại sao bạn mua đồ uống trà sữa?" trong một cuộc khảo sát được Minsheng Securities trích dẫn.
Niềm yêu thích ngày càng lớn của giới trẻ Trung Quốc đối với trà sữa là lý do mà các cửa hàng trà sữa “mọc lên như nấm” tại đây. Bloomberg ước tính, Trung Quốc có khoảng 420.000 cửa hàng trà sữa trong năm 2023, tạo doanh thu hơn 31,4 tỷ USD.
Dòng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào các thương hiệu trà sữa một cách mạnh mẽ. Một minh chứng rõ nét, Heytea - chuỗi trà sữa có trụ sở chính ở Shenzhen (Trung Quốc) đã nhận sự hậu thuẫn từ các công ty đầu tư lớn như IDG Capital và Hillhouse Investment. Năm 2021, mức định giá của Heytea là 8,2 tỷ USD.
Kinh doanh trà sữa giúp sản sinh hàng loạt tỷ phú mới ở Trung Quốc. |
Hay như Sichuan Baicha Baidao - chủ sở hữu chuỗi trà sữa lớn thứ ba Trung Quốc, đã nhận hơn 133,7 triệu USD trong lần gọi vốn vào năm ngoái. Tháng 4/2025, công ty lên sàn chứng khoán Hồng Kông và huy động hơn 300 triệu USD. Điều này giúp cặp vợ chồng Wang Xiaokun và Ms Liu Weihong - hai nhà thành lập Sichuan Baicha Baidao Industrial nâng tổng giá trị tài sản ròng lên 2,7 tỷ USD sau IPO dựa trên 73% cổ phần họ sở hữu.
Mặt trái của thành công
Số tiền đầu tư khổng lồ đã biến nhiều nhà sáng lập từ người “bán hàng rong” thành triệu phú hay thậm chí là tỷ phú USD. Song, văn hóa trà sữa cũng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang chịu tổn thương bởi sự cạnh tranh quá khốc liệt, Bloomberg viết.
Nhà phân tích Steven Nie tại Daiwa Capital Markets (Mỹ) nhận định: “Tôi lạc quan về triển vọng của những công ty dẫn đầu ngành công nghiệp trà sữa. Nhưng lĩnh vực này đang quá đông đúc”.
Khi nhận được vốn đầu tư mạo hiểm, các thương hiệu trà sữa có xu hướng lựa chọn nhượng quyền thương mại thay vì tự quản lý cửa hàng. Bởi họ cho rằng đó là cách duy nhất để mở rộng hoạt động nhanh chóng và tiến tới việc lên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, chiến lược này đang khiến hình ảnh và khả năng sinh lời của họ bị tổn hại. Trong bán kính 1,5km quanh các trung tâm mua sắm lớn ở Trung Quốc có ít nhất 50 cửa hàng trà sữa. Áp lực cạnh tranh đang ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu của từng cửa hàng. Chẳng hạn, trung bình một cửa hàng trà sữa thương hiệu Chabaido tạo ra doanh thu hơn 331.000 USD trong năm 2023, thấp hơn 12% so với năm 2021.
Khi thị trường bắt đầu bão hòa, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để giữ chân khách hàng và không bị mất thị phần vào tay đối thủ. Nhiều thương hiệu trà sữa đã không ngừng săn lùng các loại trái cây độc đáo để ra mắt hương vị mới mỗi tuần. Chỉ riêng năm 2023, Chabaido đã giới thiệu 48 sản phẩm mới. Tuy nhiên con số này vẫn chưa là gì so với các đối thủ. Thương hiệu trà sữa Auntea Jenny đã tung ra khoảng 100 hương vị mới vào năm 2023 và đã nộp bản cáo bạch để niêm yết tại thị trường Hồng Kông (Trung Quốc).
Một số thương hiệu trà sữa cũng đang lấn sân sang các mảng khác trong thị trường F&B. Như trường hợp của China Modern Tea Shop ở thành phố Changsha, tỉnh Hunan (Trung Quốc) ăn nên làm ra phần lớn là nhờ vào địa điểm.
Changsha vốn nổi tiếng là thành phố “không ngủ” với văn hóa về đêm sôi động, nhiều món ăn ngon nên nhóm khách hàng trẻ ưa chuộng lối văn hóa này đang đổ xô về đây. Tại China Modern Tea Shop, sau 16h30 hàng ngày, khách hàng có thể mua đồ uống độc đáo của hãng - cocktail trà sữa. Tuy nhiên thương hiệu này đang phải cạnh tranh với các hãng đồ uống khác như Kweichow Moutai đang quảng bá cho loại kem có vị bạch tửu độc quyền.
Doanh nghiệp kiệt sức vì giảm giá. |
Thị trường trà sữa ở Trung Quốc vô cùng lớn với hàng ngàn cửa hàng cạnh tranh để thu hút khách hàng. Việc giảm giá là một chiến lược phổ biến để thu hút khách hàng và giành thị phần trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu. Hiện một cốc trà sữa của thương hiệu trà sữa Auntea Jenny có giá khoảng 3,5 USD.
Thực tế, giá bán giảm đồng nghĩa với biên lợi nhuận bị thu hẹp. Điều này gây khó khăn trong việc trang trải chi phí vận hành, nhân viên và nguyên liệu, khiến doanh nghiệp sẽ khó có khả năng duy trì và phát triển, dẫn đến tình trạng kiệt sức.
Nayuki Holdings chuyên về trà sữa cao cấp với 1.800 cửa hàng và IPO tại Hồng Kông cách đây 3 năm đã bị nhiều đối thủ bán giá rẻ hơn vượt mặt. Nayuki quyết định giảm giá mỗi cốc xuống còn 2,5 USD và nỗ lực tạo ra sự khác biệt bằng cách mở rộng các cửa hàng, tạo không gian thứ ba giao thoa giữa trường học, nơi làm việc và nhà ở cho nhóm khách hàng trẻ tuổi.
Tuy nhiên, chính những nỗ lực này đã trở thành "con dao hai lưỡi" cho Nayuki. Chi phí nguyên vật liệu và nhân viên tại công ty chiếm 68% vào năm 2020. Tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cấp cửa hàng đã chậm lại kể từ đó. Cùng với đó, giá cổ phiếu của Nayuki Holdings sụt giảm 90% kể từ khi niêm yết hồi tháng 4/2024. Điều này khiến cặp vợ chồng Peng Xin và Zhao Lin - hai người sáng lập Nayuki Holdings, giảm tài sản ròng từ 2,2 tỷ USD năm 2021 xuống còn chỉ trên 300 triệu USD.
Không chỉ Nayuki Holdings, giá cổ phiếu của hãng trà sữa Sichuan Baicha đã lao dốc kể từ đợt IPO.
Ngành kinh doanh trà sữa đang ở ngã ba đường khi đối mặt với sự cạnh tranh quá mức và luồng đầu tư điên cuồng. "Bong bóng trà sữa cùng chứng cuồng đầu tư đang xuất hiện. Vấn đề lớn mà các công ty trà sữa phải đối mặt là làm sao để cải thiện sản phẩm, dịch vụ với tiêu chí lành mạnh, ngon, rẻ," CEO iiMedia Research Zhang Yi cho biết.