Doanh nghiệp thủy sản đang tận dụng tốt lợi thế từ EVFTA

THỦY SẢN Việt nAM
11:26 - 25/06/2022
Doanh nghiệp thủy sản đang tận dụng tốt lợi thế từ EVFTA
0:00 / 0:00
0:00
Tôm sú và cá tra là hai mặt hàng gần như không có đối thủ cạnh tranh tại EU sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực. EVFTA cũng tạo điều kiện cho các mặt hàng thủy sản khác của Việt Nam tiếp cận rộng hơn tại thị trường này.

EVFTA có hiệu từ tháng 8/2022 đã và đang tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của Việt Nam về thuế nhập khẩu với các đối thủ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập và mở rộng thị phần tại khu vực EU. Theo VASEP, trong 1 thập kỷ qua, thị phần thủy sản của Việt Nam chiếm khoảng 2,6 – 2,8% tại EU. Việt Nam hiện là nguồn cung thủy sản lớn thứ 5 của thị trường này (sau Nauy, Trung Quốc, Ecuador và Maroc).

Đối với mặt hàng tôm, các sản phẩm tôm sú của Việt Nam đã được đưa vào siêu thị, chợ và dịch vụ thực phẩm cao cấp của châu Âu nhờ đạt được các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế. Ở phân khúc tôm sú, Việt Nam gần như rất ít hoặc không có sự cạnh.

Tuy nhiên, với các loại tôm khác của Việt Nam thì đang gặp thế khó với sản phẩm tôm của Ấn Độ và Ecudor. Nguyên nhân là do giá thành tôm của 2 nước này có mức rẻ hơn. Dù vậy, về lâu dài, tôm của Việt Nam vẫn sẽ có nhiều ưu thế hơn khi ngành chế biến thủy sản của Việt Nam có bề dày lịch sử và có nhiều sản phẩm được chứng nhận ASC, đặc biệt khi hiệp định EVFTA bước vào năm thứ 7.

“Với EVFTA, đến năm 2024, thủy sản sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu, khi đó tôm Việt được chế biến sâu hơn, to hơn mà giá thành không chênh lệch lớn so với tôm Ấn Độ”, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO Lê Hằng chia sẻ tại Hội nghị giao thương thủy sản Việt Nam - EU 2022 diễn ra vào tháng 4.

Cụ thể, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, tôm sú được hưởng lợi 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Trong khi đó, Thái Lan và Ecuador không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%; hay Ấn Độ và Indonesia cũng không có FTA, chịu thuế GSP 4,2%.

Đối với mặt hàng cá tra, thực tế, Việt Nam chưa hoặc ít chịu sự cạnh tranh từ phía Nauy và Trung Quốc, vốn là hai thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Nauy chủ yếu cung cấp cá hồi nuôi và cá tuyết cho EU; Trung Quốc xuất khẩu cá thịt trắng, chủ yếu là cá minh thái và cá hồi đã gia công chế biến.

Sau khi EVFTA có hiệu lực, cá tra Việt sẽ được hưởng thuế GSP là 5,5%, và lùi xuống 0% sau 3 năm. Trong khi đó, các nước như Indonesia vẫn chịu thuế 5,5%...

Tuy nhiên, dù có lợi thế gần như tuyệt đối nhưng hiện thị phần cá tra của Việt Nam còn rất nhỏ ở các nước thành viên EU tại Bắc Âu. Theo Bộ Công Thương, hiện cá tra của Việt Nam chỉ chiếm 0,4% tại Thụy Điển, 0,9% tại Đan Mạch.

Lý giải về điều này, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy là do các doanh nghiệp Bắc Âu nhập khẩu cá tra Việt Nam chủ yếu thông qua trung gian từ các nước EU khác, lượng nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam không đáng kể.

Ngoài ra, thị trường Bắc Âu là thị trường khó tính, với các quy định khắt khe cũng là một khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chưa tận dụng được cơ hội từ EVFTA.

Đối với các sản phẩm cá ngừ và cá viên đóng hộp, hạn ngạch thuế quan của EU đối với Việt Nam là 11.500 tấn và 500 tấn tương ứng. Theo VASEP, trong 10 năm qua, xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng mạnh nhưng chỉ chiếm thị phần nhỏ, khoảng 1,2 – 2,6% lượng nhập khẩu của EU.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng chế biến có thuế suất cơ bản cao (20%) cũng sẽ giảm ngay về 0% như hàu, sò điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, bào ngư... Hầu hết các mặt hàng mực, bạch tuộc đông lạnh có mức thuế cơ bản từ 6 – 8% sẽ giảm ngay về 0%; các sản phẩm khác như surimi giảm từ 14,2% xuống 0%, cá kiếm từ 7,5% xuống còn 0%...

Hiện nay, theo VASEP, Việt Nam là nguồn cung bạch tuộc lớn thứ 12 tại EU, chiếm 1,5 – 3,3% thị phần nhập khẩu. Trước sự cạnh tranh của Ấn Độ, Trung Quốc, Peru, Thái Lan…, mặt hàng thủy sản này có xu hướng giảm.

Đánh giá về thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu hiện tại và trong tương lai, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm tại Đan Mạch, Phần Lan, Iceland và Latvia), mặt hàng thủy sản cũng đang dần lên ngôi khi người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm đến thực phẩm hữu cơ.

Tháng 3/2021, Ủy ban châu Âu đã ban hành kế hoạch hành động phát triển sản phẩm hữu cơ, thúc đẩy, duy trì niềm tin của người tiêu dùng, đưa thực phẩm hữu cơ đến gần hơn với người dân. Thực phẩm hữu cơ, bao gồm thủy sản, trong thời gian tới dự báo sẽ vẫn tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý khi xuất khẩu hàng thủy sản sang thị trường này, đặc biệt là trong vấn đề truy xuất nguồn gốc. Bởi người tiêu dùng EU đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc của thực phẩm, cách thức sản xuất và hành trình đến bàn ăn tiếp tục tăng lên.

Đọc tiếp