Thông tin tại hội nghị cho biết, năm 2020, Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án tiếp tục phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2827/QĐ-UBND ngày 27/11/2020. Theo đó UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cộng đồng.
Quảng bá rộng rãi thương hiệu các sản phẩm chủ lực
Đến nay, Hưng Yên đã có 15 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cộng đồng của tỉnh và đại diện là 15 đơn vị được hỗ trợ thông qua những hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm vừa cải thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị vừa từng bước quản trị, phát triển giá trị của thương hiệu - một thứ tài sản rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cùng các đại biểu đến tham quan các gian trưng bày, bán sản phẩm tại sảnh Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh Hưng Yên trước khi diễn ra hội nghị. |
Các sản phẩm hỗ trợ giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Hưng Yên gồm sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý "Nhãn lồng Hưng Yên" tại thành phố Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ; nhãn hiệu chứng nhận "Mật ong hoa nhãn Hưng Yên" phân bố trên toàn tỉnh Hưng Yên; nhãn hiệu tập thể "Gà Đông Tảo - Hưng Yên" tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu; nhãn hiệu chứng nhận "Nghệ Chí Tân - Khoái Châu" ở huyện Khoái Châu; nhãn hiệu chứng nhận "Vải trứng Hưng Yên" tại huyện Phù Cừ và huyện Ân Thi.
Các đại biểu tham quan gian sản phẩm gà Đông Tảo - Hưng Yên. |
Cùng với đó là nhãn hiệu chứng nhận "Cam Hưng Yên", vùng địa lý sản phẩm toàn tỉnh Hưng Yên; nhãn hiệu chứng nhận "Long nhãn Hưng Yên", vùng địa lý sản phẩm toàn tỉnh Hưng Yên; nhãn hiệu tập thể "Hoa Xuân Quan", vùng địa lý sản phẩm tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang; nhãn hiệu chứng nhận "Chuối tiêu hồng Khoái Châu", vùng địa lý sản phẩm tại huyện Khoái Châu; nhãn hiệu tập thể "Tương Bần đặc sản", vùng địa lý sản phẩm ở phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào.
Nhãn hiệu tập thể "Mộc Hòa Phong - Mỹ Hào", vùng địa lý sản phẩm tại xã Hòa Phong, thị xã Mỹ Hào; nhãn hiệu chứng nhận "Nếp thơm Hưng Yên", vùng địa lý sản phẩm toàn tỉnh Hưng Yên; nhãn hiệu tập thể "Bánh tẻ Phụng Công - Văn Giang", vùng địa lý sản phẩm ở xã Phụng Công, huyện Văn Giang; nhãn hiệu chứng nhận "Sen Hưng Yên", vùng địa lý sản phẩm toàn tỉnh Hưng Yên; nhãn hiệu tập thể "Hương Thôn Cao", vùng địa lý sản phẩm tại xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên.
Ông Vũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên phát biểu tại hội nghị. |
Thông qua đề án đã nâng cao nhận thức về phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở được hỗ trợ, tham gia đề án; cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành tỉnh với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh; quảng bá, giới thiệu rộng rãi thương hiệu 15 sản phẩm chủ lực của tỉnh được hỗ trợ phát triển thương hiệu nói riêng và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Hưng Yên, sản phẩm của tỉnh Hưng Yên với đông đảo người tiêu dùng trong cả nước và du khách quốc tế.
Phát triển thương hiệu là một quá trình lâu dài
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cho biết, theo đề án được phê duyệt, có 6 nội dung hỗ trợ được thực hiện, mỗi nội dung được triển khai cho một đơn vị thụ hưởng đại diện cho một thương hiệu sản phẩm trong một năm. Tuy nhiên, phát triển thương hiệu là một quá trình lâu dài với nhiều yếu tố tác động, nhiều nội dung cần phải thực hiện, do vậy trong phạm vi đề án, những nội dung được triển khai chủ yếu mới mang tính chất giới thiệu, thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để làm cơ sở giúp các đơn vị này đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn liền với gìn giữ và phát triển thương hiệu sản phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên đọc báo cáo tại hội nghị. |
Mặt khác, kinh phí triển khai đề án không nhiều, tổng kinh phí đề xuất thực hiện đề án được phê duyệt là: 22.877 triệu đồng, tuy nhiên thực tế quá trình triển khai Đề án từ năm 2021 đến 2024 kinh phí triển khai Đề án chỉ đạt 8.554,57 triệu đồng, lại không được bố trí đều hàng năm, do vậy một số nội dung cụ thể của đề án không triển khai được. Đặc biệt, đề án yêu cầu phải có kinh phí đối ứng từ các đơn vị thụ hưởng, đây cũng là một yếu tố khó khăn khi triển khai vì hầu hết các hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm chủ lực trong danh mục đề án đều có quy mô nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế.
Quang cảnh hội nghị. |
Bên cạnh đó, sự hạn chế về quy mô, năng lực sản xuất, kinh doanh, kỹ năng quản trị, điều hành và sự quan tâm tới thương hiệu, phát triển thương hiệu của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh; ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu tới hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực; đề án được triển khai từ năm 2021 nhưng mỗi năm chỉ hỗ trợ được một số thương hiệu sản phẩm, trong khi việc xây dựng, phát triển thương hiệu là cả một quá trình lâu dài, thường xuyên và đồng bộ trong hoạt động của mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh...
Giúp doanh nghiệp hợp tác xã hiểu rõ hơn về thương hiệu riêng
Ông Phạm Thành Lợi, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, chăn nuôi và đồ gỗ mỹ nghệ Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào) chia sẻ, nghề mộc mỹ nghệ được hình thành và phát triển trên địa bàn xã Hòa Phong đến nay khoảng 60 năm. Năm 2018 một số hộ làm nghề đã liên kết thành lập hợp tác xã. Năm 2019, nhãn hiệu tập thể "Mộc Hòa Phong - Mỹ Hào" đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại Cục Sở hữu trí tuệ, do Hội Nông dân xã Hòa Phong là tổ chức chủ sở hữu nhãn hiệu. Năm 2022, làng mộc Hòa Phong được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận chính thức làng nghề. Điều đặc biệt là một xã làng nghề trong đó tập hợp 7 làng nghề của các thôn có sản xuất mộc mỹ nghệ và dân dụng, với trên 1.700 hộ làm nghề.
Các đại biểu tham quan gian sản phẩm nghệ Chí Tân - Khoái Châu. |
“Năm 2023, Hợp tác xã nông nghiệp, chăn nuôi và đồ gỗ mỹ nghệ Hòa Phong được hỗ trợ tham gia Đề án tiếp tục phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thông qua các hoạt động của đề án, hợp tác xã đã hiểu rõ hơn về tài sản trí tuệ và thương hiệu làng nghề, thương hiệu riêng. Các thành viên của hợp tác xã được tập huấn nâng cao năng lực về sản xuất và kinh doanh sản phẩm trong bối cảnh mới, kỹ năng thương mại và bán hàng… Đến nay, hợp tác xã đã có 3 sản phẩm được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao; doanh thu trung bình hàng năm đạt từ 4 - 6 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động với thu nhập từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng”, ông Lợi cho biết.
Trải qua hơn 7 năm hình thành và phát triển, đến này Hợp tác xã nông nghiệp Minh Tiến (huyện Phù Cừ) đã tham gia vào nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã, huyện; có mạng lưới phân phối, thu mua trong tỉnh và một số tỉnh khác lân cận. Bà Đồng Thị Thu Hương, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Minh Tiến (huyện Phù Cừ) thông tin, năm 2024, được sự quan tâm của Sở Công Thương, hợp tác xã tham gia đề án trên. Đây là cơ hội cho hợp tác xã đẩy mạnh giao thương, thúc đẩy bán hàng, quảng bá thương hiệu của hợp tác xã cũng như của địa phương tới đông đảo người tiêu dùng, nâng cao nhận thức và năng lực về tài sản trí tuệ và thương hiệu, đồng thời đề án đã đáp ứng đúng nhu cầu của hợp tác xã về quảng bá và phát triển thương hiệu.
Gian các sản phẩm long nhãn Hưng Yên và sen Hưng Yên. |
“Ngoài việc tham gia vào các hoạt động chung của đề án trên trong năm 2024 với sản phẩm sen Hưng Yên, Hợp tác xã nông nghiệp Minh Tiến mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ của các cấp ngành, chính quyền các cấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và quảng bá, phát triển thương hiệu trong thời gian tiếp theo, bằng những hoạt động cụ thể. Trong đó, hợp tác xã mong muốn được hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu riêng và thống nhất bao bì, tem nhãn của hợp tác xã một cách minh bạch và chuyên nghiệp; các sản phẩm tiếp tục tham gia chương trình OCOP và chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại…”, bà Hương bày tỏ.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Như Khanh, Chủ tịch Hội làng nghề sản xuất hương thôn Cao (xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên) cho biết, làng nghề hương thôn Cao đã có từ cách đây hơn 200 năm, là một trong những làng hương lâu đời nhất của Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng. Hiện làng nghề vẫn đang tiếp tục được các thế hệ người dân trong thôn gìn giữ, phát huy.
Theo ông Khanh, Hội làng nghề sản xuất hương thôn Cao được thành lập năm 2009, là tổ chức cộng đồng của những người sản xuất và kinh doanh sản phẩm hương xạ truyền thống trên địa bàn thôn Cao (xã Bảo Khê). "Hương xạ thôn Cao" là một trong những nhãn hiệu sớm của tỉnh Hưng Yên được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ năm 2008; năm 2020 làng nghề được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Đại diện doanh nghiệp dự hội nghị trao đổi thông tin về sản phẩm với lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên. |
“Khi tham gia đồng hành và phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong Đề án tiếp tục phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 vào năm 2024, làng nghề đã được hỗ trợ thêm biển quảng cáo ngoài trời, phóng sự giới thiệu và quảng bá làng nghề, nâng cao năng lực về quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể "Hương xạ thôn Cao", tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm, đây đều là những hoạt động hỗ trợ hết sức có ý nghĩa đối với làng nghề và người dân”, Chủ tịch Hội làng nghề sản xuất hương thôn Cao cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Khanh, làng nghề hương thôn Cao, mặc dù nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và cơ quan quản lý, làng nghề và hội làng nghề vẫn còn tồn tại một số khó khăn như việc sản xuất của đại bộ phận người dân trong làng nghề vẫn còn phụ thuộc vào thời tiết theo mùa, nhất là dịp sản xuất phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán hàng năm.
Bên cạnh đó, trên thị trường hiện có nhiều loại hương giá rẻ, cuộn tàn, không minh bạch về nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo chất lượng, sử dụng hóa chất pha trộn với nguyên liệu, cạnh tranh trực tiếp với hương xạ truyền thống. Một bộ phận cơ sở sản xuất hương trên địa bàn thôn làm theo hình thức gia công, cung cấp sản phẩm cho các cơ sở khác hoặc các thương hiệu khác dưới hình thức đặt hàng, tuy làm tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm nhưng có thể gây nhầm lẫn về sản phẩm và thương hiệu làng nghề, khiến người tiêu dùng khó phân biệt…
Gian sản phẩm mộc Hòa Phong - Mỹ Hào. |
Tích cực, đồng bộ hơn trong thời gian tới
Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Quân, Phụ trách đối ngoại miền Bắc, Tập đoàn Central Retail Việt Nam (doanh nghiệp đang triển khai xây dựng Trung tâm thương mại GO! tại Hưng Yên) cho biết, thông qua chuỗi siêu thị bán lẻ thực phẩm GO! của Central Retail trên toàn quốc, các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh Hưng Yên sẽ có cơ hội được phân phối không chỉ tại địa phương mà còn có thể mở rộng ra trên toàn quốc, từ đó dần khẳng định thương hiệu sản phẩm đến từ tỉnh Hưng Yên.
“Tại tỉnh Hưng Yên, chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn của tỉnh trong việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Chúng tôi tin rằng, với sự đa dạng, chất lượng và hương vị đặc trưng của các sản phẩm địa phương, Hưng Yên hoàn toàn có thể trở thành một trong những vựa cung cấp nông sản hàng đầu cho cả nước”, ông Quân nhận định.
Ông Nguyễn Minh Quân khẳng định, Central Retail sẵn sàng cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng một thương hiệu thống nhất cho các sản phẩm đặc sản của Hưng Yên, giúp người tiêu dùng dễ nhận diện và tin tưởng. Mỗi sản phẩm sẽ được kể một câu chuyện riêng, gắn liền với văn hóa, lịch sử và con người Hưng Yên. Central Retail sử dụng hệ thống siêu thị GO!, BigC, Tops Market và các trung tâm thương mại của tập đoàn ở các tỉnh, thành phố để quảng bá các sản phẩm của Hưng Yên, đồng thời khuyến nghị đưa những sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu của khách hàng, người tiêu dùng… Để sự hợp tác đạt được thành công, ông Quân khuyến nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng câu chuyện thương hiệu, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác với các doanh nghiệp lớn để cùng nhau phát triển thương hiệu, tổ chức tham quan, trải nghiệm quá trình canh tác, sản xuất, thưởng thức sản phẩm…
Các đại biểu trải nghiệm, thưởng thức bánh tẻ Phụng Công - Văn Giang. |
“Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của Hưng Yên là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự nỗ lực của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên chúng tôi tin rằng, với sự hợp tác chặt chẽ giữa Central Retail với các doanh nghiệp, hợp tác xã tại Hưng Yên, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một chuỗi cung ứng nông sản bền vững, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân. Dự kiến Trung tâm thương mại GO! tại Hưng Yên hoạt động trong năm 2025, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra một không gian mua sắm hiện đại, nơi trưng bày và bán các sản phẩm đặc sản của tỉnh. Đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn không chỉ cho người dân địa phương mà còn cho du khách, góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế của Hưng Yên”, ông Quân cho biết thêm.
Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Vũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên khẳng định, qua 4 năm triển khai, với sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả của các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và sự nhiệt tình hưởng ứng, tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm chủ lực của tỉnh, Sở Công Thương đã triển khai thành công đề án đạt kết quả tốt; đã hoàn thành đề án sớm một năm so với kế hoạch đề ra.
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên, phát triển thương hiệu của mỗi sản phẩm, doanh nghiệp, tổ chức là một quá trình nỗ lực, phấn đấu với tinh thần sáng tạo không ngừng, không thoả mãn, không hài lòng, do vậy mặc dù Đề án tiếp tục phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 do Sở Công Thương chủ trì triển khai đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng đó mới chỉ là những kết quả bước đầu để Sở Công Thương, các sở, ngành, địa phương của tỉnh cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp tục xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tích cực, đồng bộ hơn trong thời gian tới.
Các gian trưng bày, bán các sản phẩm bên lề hội nghị. |
“Thời gian tới, rút kinh nghiệm từ triển khai đề án giai đoạn vừa qua, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng mới nội dung đề án trong giai đoạn 2026 - 2030 với định hướng chính là: lựa chọn một số nhãn hiệu có tiềm năng phát triển của tỉnh và đại diện các doanh nghiệp, cơ sở có năng lực có khát khao phát triển để thiết kế các nội dung hỗ trợ bắt kịp với xu thế phát triển kinh tế số, thương mại điện tử giúp doanh nghiệp, cơ sở có bước phát triển mạnh mẽ hơn với nhãn hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh, đưa sản phẩm chủ lực của Hưng Yên thâm nhập được các hệ thống phân phối uy tín như BigC của Tập đoàn Central Retail…”, ông Thắng nói.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên Vũ Quang Thắng mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các sở, ngành tỉnh, các doanh nghiệp thương nhân phân phối và đặc biệt là sự nỗ lực hơn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm chủ lực của tỉnh để các thương hiệu sản phẩm chủ lực tỉnh Hưng Yên không ngừng phát triển, vươn xa.