Tại phiên chuyên đề 1 của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra sáng ngày 19/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tổng cầu suy giảm, lạm phát tăng cao, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… Đồng thời, đại dịch Covid-19 đã khiến lượng tồn kho của các thị trường này tăng cao. Chính vì vậy, đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt sang các thị trường chính đều giảm.
Trước tình hình trên, theo Thứ trưởng, Bộ Công Thương đã theo chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cụ thể.
Trong đó, thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Từ đó, đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp, tham mưu cho Chính phủ và cung cấp thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp để có biện pháp đối phó phù hợp.
Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp trong việc thực hiện đổi mới xúc tiến thương mại. Trong đó, Bộ Công Thương tăng cường phổ biến, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thế mạnh, ưu đãi trong hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… hay các FTA mới nhất với Anh, UAE...
Bộ cũng tích cực tổ chức các sự kiện với sự tham gia của các nhà phân phối lớn của thế giới. Tiêu biểu là sự kiện Vietnam International Soucring 2023 diễn ra từ ngày 13-15/9 vừa qua tại TP HCM. Sự kiện có sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản), Walmart, Amazon, Boeing, AES (Mỹ), Carrefour, Decathlon (Pháp), Central Group (Thái Lan), Copel (Mexico), IKEA (Thụy Điển), Lulu (UAE)…
“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp (dựa trên nhu cầu và kiến nghị của doanh nghiệp) để tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực trong việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nói chung cũng như hoạt động xuất khẩu nói riêng”.
Theo tham luận của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương công bố tại Diễn đàn, thời gian qua, Chính phủ cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ hoạt động sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường xuất khẩu.
Trong đó, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hoãn, miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hoàn thuế.
Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, ưu tiên lĩnh vực xuất nhập khẩu; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất xuất khẩu.
Đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu mới, còn tiềm năng; tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại đã ký kết; tăng cường cung cấp thông tin thị trường, cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng của Việt Nam; nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới.