Các rung lắc dữ dội cùng dư chấn liên tiếp của trận động đất đã khiến hàng nghìn tòa nhà đồng loạt đổ sập từ các thành phố Aleppo và Hama của Syria cho tới Diyarbakir và Malatya của Thổ Nhĩ Kỳ, chôn vùi dưới đó nhiều nạn nhân xấu số. Số người tử vong do thảm họa động đất tại cả hai quốc gia hiện đã vượt mốc 4.300 người và được WHO dự đoán có thể tăng lên 20.000 người.
Động đất không chỉ chôn vùi nhà cửa, tài sản và mạng sống của con người mà còn chôn vùi cả những di tích văn hóa và lịch sử tại các khu vực bị ảnh hưởng. Các di tích quan trọng bị tàn phá bao gồm Nhà thờ Hồi giáo Haji Yusuf ở thành phố Malatya, Thổ Nhĩ Kỳ; Lâu đài Gaziantep, được xây dựng lần đầu tiên bởi Đế chế Hittite trong Thời đại đồ đồng hay thành cổ Aleppo tại Syria.
Hình ảnh Nhà thờ Hồi giáo Haji Yusuf trước và sau động đất. |
Định mệnh động đất của Nhà thờ Hồi giáo Haji Yusuf, Thổ Nhĩ Kỳ
Nhà thờ Hồi giáo Haji Yusuf là một tòa nhà bằng đá khổng lồ ở trung tâm thành phố Malatya, được xây dựng vào năm 1843 bởi những người Ottoman. Công trình này còn được gọi là Great Earthquake sau khi nó bị hư hại trong một vụ động đất năm 1846 và sau đó được tu sửa vào năm 1913.
Nhà thờ Hồi giáo này một lần nữa bị hư hại trong trận động đất Manyas năm 1964, có cường độ 6,8 độ Richter. Một trận động đất khác với cường độ 6,7 độ Richter tiếp tục xé toạc khu vực này vào năm 2020, khiến 22 người thiệt mạng và gây ra chấn động ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Georgia và Armenia. Nhà thờ này cũng đã chịu hư hại tại thời điểm đó.
Dưới thời Tổng thống của Erdogan, nhà thờ được tu sửa và mở cửa trở lại đúng dịp lễ Ramadan hồi tháng 4/2022. Tuy nhiên sau khi mới mở cửa chưa được một năm, trận động đất 7,8 độ Richter ngày 6/2 tiếp tục phá hủy công trình này. Theo các hình ảnh trên các phương tiện truyền thông, các bức tường và một số mái vòm chịu hư hại sau trận động đất, tuy nhiên tháp giáo đường làm từ đá vẫn giữ được nguyên kết cấu của mình sau trận động đất.
Lâu đài Gaziantep là công trình quan trọng được bảo tồn tốt tại Thổ Nhĩ Kỳ |
Lâu đài Gaziantep tại Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ
Lâu đài Gaziantep được xây dựng đầu tiên bởi người Hittite, những người đã đến Anatolia vào Thời đại đồ đồng và vươn lên vị thế của một đế chế lớn trong khu vực trước khi chia thành các tiểu bang từ thế kỷ 12 trước Công nguyên.
Chính những người Hittite đã trao lại di sản của mình cho người La Mã. Vào thể kỷ thứ 2 và thứ 3 sau Công nguyên, người La Mã đã xây dựng lại phần chính của lâu đài này. Được thiết kế như một tháp canh trên đỉnh một ngọn đồi có tên Kudret ở trung tâm thành phố Gaziantep, pháo đài bằng đá này đã được nhiều cư dân Anatolia sử dụng và cải tạo qua nhiều thế kỷ.
Tiếp tới trong khoảng thời gian từ năm 527 đến năm 565 sau Công nguyên, người Byzantine tiếp tục bảo vệ, mở rộng và củng cố công trình này dưới thời Justinian I.
Lâu đài Gaziantep chính là một phần trọng yếu của lịch sử địa phương và nó là một trong những công trình được bảo tồn tốt nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Việc lâu đài này bị phá hủy là một thảm kịch lớn với không chỉ địa phương này mà còn với cả bề dày văn hóa và lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo CNN trích dẫn hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, một số pháo đài ở phía đông, nam và đông nam của Lâu đài Gaziantep lịch sử ở quận trung tâm Şahinbey đã bị trận động đất phá hủy với các mảnh vỡ nằm rải rác trên đường. Trong khi đó, các lan can sắt xung quanh lâu đài nằm rải rác trên vỉa hè xung quanh. Bức tường chắn bên cạnh lâu đài cũng bị sụp đổ. Ở một số pháo đài, người ta còn quan sát thấy những vết nứt lớn.
Ở cạnh lâu đài Gaziantep, Nhà thờ Hồi giáo Şirvani lịch sử được xây dựng vào thế kỷ 17 cũng được báo cáo đã bị sập một phần ở mái vòm và bức tường phía đông.
Thành cổ Aleppo tại Syria vốn chịu ảnh hưởng do thời tiết và chiến sự giờ lại càng chịu thiệt hại hơn nữa bởi động đất. |
Thành cổ Aleppo, Aleppo, Syria
Là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới, Aleppo là nơi bảo tồn giá trị của hơn 4 thiên niên kỷ lịch sử Cận Đông. Thành cổ Aleppo là một mô hình thu nhỏ thể hiện bề dày lịch sử lâu dài và phức tạp của không chỉ Syria mà còn của khu vực Trung Đông.
Theo World Monument Fund, phần lớn các công trình kiến trúc trong thành được người Ayyubid xây dựng vào thế kỷ 12 và 13 trong khi các công trình quan trọng cũng được bảo tồn từ thời Ottoman (bắt đầu từ thế kỷ 16).
Thành được xây dựng trên một mỏm đá vôi tự nhiên nhô cao khoảng 30m so với mặt bằng của đồng bằng xung quanh được trang trí bằng những bức tường cao, cây cầu vào hùng vĩ và cửa ngõ lớn.
Thành cổ Aleppo là một trong những công trình quan trọng bậc nhất tại Trung Đông. Tuy nhiên do trận động đất vừa rồi, công trình này đã chịu hư hại. Dù vậy ngay cả trước khi động đất xảy ra, Thành cổ Aleppo cũng đã phải chịu hư hại do công tác bảo tồn không tốt và ảnh hưởng của giao tranh.
Arab News trích dẫn Tổng cục Cổ vật và Bảo tàng Syria cho biết nhiều phần bên trong thành cố Aleppo đã bị sụp đổ trong khi bức tường phòng thủ phía đông bắc cũng đã bị nứt và đổ. Nhiều phần trên mái vòm của tháp giáo đường tại nhà thờ Hồi giáo Ayyubid bên trong tòa thành đã bị đổ, trong khi lối vào pháo đài đã bị hư hại, “bao gồm cả lối vào tháp Mamluk”.