Nhu cầu đi lại và vận chuyển tăng thúc đẩy sản lượng tiêu thụ của Petrolimex. |
Phiên sáng 16/8, cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tăng mạnh gần 5% lên vùng giá trên 51.000 đồng/cp - cao nhất kể từ tháng 4/2022, tương ứng vùng đỉnh 28 tháng. Trong 4 tháng qua, mã này âm thầm leo dốc và hiệu suất đầu tư đã lên tới hơn 50%.
Vốn hóa thị trường của Petrolimex cũng theo đó tăng hơn 20.000 tỷ đồng lên gần 65.000 tỷ đồng, vượt qua nhiều ngân hàng như Sacombank (STB), SeABank (SSB), VIB…
Cổ phiếu của Petrolimex thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa tăng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, vận tải hành khách tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 13,5%.
Với mạng lưới phân phối hơn 5.500 trạm bán lẻ và các đại lý trên toàn quốc, Petrolimex hiện đang là nhà cung cấp các sản phẩm xăng dầu lớn nhất trên thị trường nội địa, chiếm 50% thị phần sản lượng trong nước. Nhu cầu tiêu thụ tăng nên kết quả kinh doanh của PLX cũng khả quan.
6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Petrolimex đạt 148.943 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.994 tỷ đồng, tăng 55% và lợi nhuận sau thuế đạt 2.407 tỷ đồng, tăng 54%. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện được 79% kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm.
Trong báo cáo phân tích doanh nghiệp cập nhật đầu tháng 8 vừa qua, Chứng khoán DSC dự báo, doanh thu và lợi nhuận của PLX trong năm 2024 lần lượt đạt 263.745 tỷ đồng (giảm 4% so với năm 2023) và 3.956 tỷ đồng (tăng 29%). Cơ sở cho dự báo này là biên độ biến động giá xăng dầu trong năm 2024 sẽ không cao và các nghị định liên quan đến ổn định giá, nguồn cung xăng dầu sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại khâu hạ nguồn dầu khí.
Theo DSC, dự thảo sửa đổi Nghị định 95/NĐ-P và Nghị định 83/NĐ-P lần 2 được Bộ Công Thương trình lên Chính phủ vào tháng 7 tiếp tục tập trung vào hỗ trợ hoạt động kinh doanh xăng dầu tại khu vực hạ nguồn.
Trong đó có 3 điểm đáng chú ý: Quy định 7 ngày sẽ công bố giá thế giới bình quân để đầu mối được cộng các khoản chi phí liên quan, từ đó công bố giá bán ra thị trường; xác định chi phí vận hành và lợi nhuận trên mỗi lít xăng theo phương pháp cố định (1.800 - 2.500 đồng/lít tùy sản phẩm) hoặc theo mức linh hoạt (dựa trên tỷ lệ phần trăm liên quan đến giá quốc tế); hạn chế phân phối các khâu phân phối trung gian, tập trung vào các đầu mối lớn nhằm hạn chế chi phí phát sinh.
DSC cho rằng điểm 1 và 2 đem lại những ảnh hưởng tích cực chung cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Song, điểm 3 sẽ đem lại lợi thế cho các nhà phân phối lớn, đặc biệt là PLX, nhờ cắt giảm các bước trung gian và các chi phí phát sinh, trong khi các nhà phân phối nhỏ sẽ gặp bất lợi do giảm khả năng thương lượng.
Từ đầu năm tới nay, PLX không phải gia tăng các khoản dự phòng liên quan tới hàng tồn kho, đồng thời số ngày tồn kho bình quân cũng thấp hơn tương đối so với trung bình các năm trước đó. Nguồn: DSC |
Trong báo cáo phân tích doanh nghiệp hồi đầu tháng 7 vừa qua, VNDirect cho rằng sản lượng xăng dầu nội địa của PLX sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2024 do nhu cầu trong nước cao nhờ nền kinh tế được cải thiện; đạt mức tăng trưởng kép 7,1% trong năm 2024-2025.
Theo VNDirect, sau khi một số đầu mối kinh doanh xăng dầu như Xuyên Việt Oil và Hải Hà Petro bị thu hồi giấy phép hoạt động, PLX có khả năng đã chiếm thêm được thị phần từ các doanh nghiệp này. Nhờ vị thế thống lĩnh thị trường, PLX có thể thu hút thêm các đại lý/tổng đại lý khi họ tìm kiếm các thương nhân đầu mối đáng tin cậy.
Với kỳ vọng thị trường phân phối xăng dầu trong nước tiếp tục ổn định trong những năm tới trong khi thị phần của PLX đang mở rộng, VNDirect dự phóng lợi nhuận ròng của PLX sẽ tăng trưởng lần lượt là 27%/14,9 so với cùng kỳ trong năm 2024 - 2025.
Các yếu tố thúc đẩy là sản lượng bán xăng dầu trong nước đạt tốc độ tăng trưởng kép 7,1% trong 2024-2025; lợi nhuận gộp trên lít tăng 9,1%/2,7% so với cùng kỳ trong 2024-2025 nhờ tác động của việc điều chỉnh chi phí thương mại cố định (tăng khoảng 3% từ ngày 3/7/2023) và tác động tích cực từ nghị định kinh doanh xăng dầu mới dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2024.