Động lực tạo sóng giúp cổ phiếu bán lẻ đua nhau vượt đỉnh

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
06:49 - 12/04/2022
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
Trong ba tháng đầu năm 2022, nhóm cổ phiếu bán lẻ đua nhau vượt đỉnh lịch sử. Đây là nhóm ngành được kỳ vọng hưởng lợi từ xu hướng phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.

Trước khi quay đầu giảm do áp lực bán chung của thị trường tuần qua, các cổ phiếu ngành bán lẻ như MWG, FRT, DGW, PNJ, PET… đều vượt đỉnh lịch sử. Cụ thể, MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động đạt mức giá 159.000 đồng/cp vào phiên 6/4, tăng 21,3% so với đầu năm. FRT của CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đạt mức giá 156.300 đồng vào phiên 6/4, tăng gần 63% so với đầu năm. DGW của CTCP Thế giới số (Digiworld) đạt mức giá 147.500 đồng vào phiên 6/4, tăng 66% so với phiên 24/1.

Tương tự, PNJ của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng lần đầu vươn lên mức giá 118.100 đồng; PET của Tổng công ty Cổ phần dịch vụ tổng hợp dầu khí lần đầu giao dịch ở mức 67.600 đồng; HAX của CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco) chinh phục mức đỉnh 39.500 đồng…

Cổ phiếu MWG tiệm cận mức đỉnh 160.000 đồng/cp.

Cổ phiếu MWG tiệm cận mức đỉnh 160.000 đồng/cp.

Triển vọng ngành bán lẻ

Trong báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), ngành bán lẻ, đặc biệt là hàng tiêu dùng không thiết yếu sẽ được hưởng lợi (dự báo tăng trưởng EPS 2022 đạt 25% so với cùng kỳ năm trước) nhờ việc bỏ hẳn các quy định giãn cách xã hội và nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Số liệu từ Tổng cục Thống kê và Google Mobility cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hoá và hoạt động đi lại đến các trung tâm thương mại, công viên giải trí ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng khi các quy định giãn cách được nới lỏng.

Trong đó, KBSV đánh giá cao MWG (thị phần điện thoại còn tiềm năng mở rộng thị phần nhờ mô hình cửa hàng mới, chuỗi Bách hóa xanh hồi phục doanh thu/cửa hàng), PNJ (hồi phục doanh thu mảng trang sức bán lẻ nhờ nhu cầu tăng trở lại và gia tăng số lượng cửa hàng mở mới).

Trong báo cáo triển vọng ngành Bán lẻ, SSI Research cho rằng, nhu cầu về điện thoại di động và máy tính xách tay vẫn tăng trưởng trong năm 2022, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với mức tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2021. Với sự thiếu chip có thể sẽ kéo dài đến đầu năm 2023, các thương hiệu điện thoại di động cao cấp có thể vượt trội hơn do các công ty lớn có khả năng đàm phán tốt hơn để đảm bảo đủ chip trong sản xuất.

SSI Research kỳ vọng mức tăng trưởng 1 con số thấp cho điện thoại di động và tăng trưởng 1 con số cao cho máy tính xách tay trong năm 2022. Nhu cầu điện tử tiêu dùng dự kiến sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 1 con số thấp nhờ thu nhập hộ gia đình phục hồi, mặc dù có thể mất một thời gian vì phần thu nhập tăng có thể được ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu.

SSI Research nhận định, MWG, DGW, FRT và PNJ là các công ty bán lẻ có khả năng tăng mạnh lợi nhuận trong năm 2022.

Chứng khoán TP HCM (HSC) dự báo ngành bán lẻ hồi phục mạnh sau đại dịch.

Chứng khoán TP HCM (HSC) dự báo ngành bán lẻ hồi phục mạnh sau đại dịch.

Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital mới đây, ông Lã Giang Trung - CEO của Passion Investment chia sẻ, sóng bán lẻ hiện đang vô cùng dữ dội, các cổ phiếu như FRT, DGW, PET đều tăng mạnh trong những tháng qua.

Đối với MWG, về bản chất, ông Trung cho rằng đây là một cổ phiếu tốt, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Thế giới Di động đều đặn qua các năm, kể cả giai đoạn khó khăn tuy không ghi nhận sự đột biến. Trong khi đó, FPT Retail lại có sự tăng trưởng rất mạnh về lợi nhuận trong các năm vừa rồi, khiến các nhà đầu tư cảm thấy phấn khích hơn.

Kỳ vọng tăng trưởng cao

Trong báo cáo Chiến lược thị trường tháng 4/2022, nhóm nghiên cứu của Chứng khoán VNDirect dự báo, kết quả kinh doanh quý I/2022 khả quan và thông tin hỗ trợ đến từ đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán trong tháng 4 này. Trong đó, bán lẻ là một trong 5 nhóm ngành được VNDirect kỳ vọng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, cùng với chứng khoán, hóa chất, phân bón và thủy sản.

Thực tế, một số doanh nghiệp bán lẻ đã hé lộ con số lợi nhuận tích cực trong những tháng đầu năm 2022, số khác thì đặt kế hoạch tăng trưởng cao cho cả năm. Như Thế giới Di động 2 tháng đầu năm đạt doanh thu hợp nhất đạt 25.383 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 1.077 tỷ đồng, tăng 8%. Năm 2022, MWG đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 140.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 6.350 tỷ đồng; tăng lần lượt 14% và 30% so với kết quả thực hiện năm 2021.

Còn Digiworld ước doanh thu quý I/2022 đạt 7.000 tỷ đồng, tăng 40% và lợi nhuận 210 tỷ đồng, gấp đôi thực hiện cùng kỳ năm trước. Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT cho biết thông thường kết quả kinh doanh chính thức sẽ vượt dự báo do chưa xét đến các yếu tố tăng thêm.

Trong ĐHĐCĐ diễn ra ngày 6/4 vừa qua, DGW đã thông qua nghị quyết về kế hoạch kinh doanh với doanh thu 26.300 tỷ đồng, lợi nhuận 800 tỷ đồng - tăng lần lượt 25% và 22% so với kết quả năm 2021. Trong đó, mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là mảng điện thoại di động, kế đến là máy tính xách tay, thiết bị văn phòng và tiêu dùng.

Còn PNJ thông báo kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2022 với doanh thu đạt 7.066 tỷ đồng (tăng 41,1%) và lợi nhuận sau thuế đạt 522 tỷ đồng (tăng 36,7%). Con số lợi nhuận này bằng kết quả thực hiện của cả nửa năm 2021. Theo Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2022, PNJ dự kiến đem về gần 25.835 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 1.320 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 32% và 28% so với cùng kỳ.

FPT Retail chưa tiết lộ con số tài chính những tháng đầu năm nhưng cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu thuần ở mức 27.000 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế 720 tỷ đồng, tăng 30%.

Doanh nghiệp bán lẻ ô tô Haxaco cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh tham vọng, với lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2022 đạt 212 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2021. Haxeco cũng dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng cho nhân viên và cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để lấy vốn mở thêm các đại lý kinh doanh Mercedes – Benz.

Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, Haxeco vẫn đạt mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động - 204,6 tỷ đồng, tăng gần 30% so với 2020. HAX là nhà phân phối uỷ quyền đầu tiên của Mercedes-Benz tại Việt Nam (MBV). Thị phần phân phối của Haxaco trong mảng xe Mercedes-Benz khoảng gần 40%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.