DS205-8MW là mẫu tuabin gió ngoài khơi có công suất lớn nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc, được thiết kế tùy chỉnh cho môi trường biển phía Nam của Hoàng Hải - nơi có tốc độ gió thấp hơn đáng kể so với các nước châu Âu, vốn dẫn đầu về điện gió ngoài khơi. Đường kính rôto lên tới 205m với chiều dài cánh quạt 100m, cho hiệu suất sử dụng trên 30% ngay cả khi tốc độ gió trung bình là 6,5m/s.
Phần cánh quạt do Doosan Enerbility hợp tác phát triển với Viện Khoa học Vật liệu Hàn Quốc (KIMS) và nhà sản xuất cánh quạt gió Human Composites. Tại Cơ sở thử nghiệm điện gió Buan, việc thử nghiệm độ chắc chắn và an toàn của cấu trúc cánh quạt đã được xác thực thông qua các thử nghiệm tải mỏi lặp đi lặp lại trong vòng đời thiết kế 25 năm và thử nghiệm tải trong các điều kiện gió bão khắc nghiệt.
Tuabin gió ngoài khơi 8MW của Doosan Enerbility tại Trung tâm trình diễn điện gió quốc gia ở Baeksu-eup, Yeonggwang-gun của tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc.
Tuabin gió ngoài khơi 8MW được phát triển hoàn toàn bởi ngành công nghiệp địa phương cho thị trường điện gió ngoài khơi Hàn Quốc. Đây là dự án có sự hợp tác giữa ngành công nghiệp - học viện - nghiên cứu do nhà nước dẫn đầu với tỷ lệ linh kiện sản xuất trong nước chiếm 70%.
Và để góp phần thúc đẩy hệ sinh thái điện gió ngoài khơi của Hàn Quốc phát triển, ông Park Hongook, Giám đốc điều hành Nhóm Kinh doanh Dịch vụ Năng lượng của Doosan Enerbility cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sản xuất các bộ phận trong nước lên hơn 70%, đồng thời áp dụng công nghệ và nhân lực địa phương của chúng tôi vào lĩnh vực dịch vụ bảo trì tua-bin”.
Các công ty của Hàn Quốc tham gia phát triển hệ thống điện gió ngoài khơi gồm có: Doosan Enerbility giám sát quá trình thiết kế, sản xuất và trình diễn; Human Composites Co. phụ trách sản xuất cánh quạt; KIMS phụ trách thử nghiệm và chứng nhận cánh quạt; Seil Engineering Co. chịu trách nhiệm thiết kế kết cấu phần dưới, vận chuyển và lắp đặt và Đại học Quốc gia Seoul chịu trách nhiệm giảm tiếng ồn cho cánh tuabin.
Từ năm 2018, Doosan Enerbility đã nghiên cứu phát triển hệ thống điện gió ngoài khơi công suất lớn 8MW với sự hỗ trợ của Viện Đánh giá và Lập kế hoạch Công nghệ Năng lượng Hàn Quốc (KETEP) trực thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng. Tháng 1 vừa qua, một nguyên mẫu đã được thực hiện tại Yeonggwang của tỉnh Nam Jeolla. Sau đó, đã có một cuộc trình diễn thử nghiệm và tiếp theo là đăng ký chứng nhận quốc tế. Để đạt được chứng nhận quốc tế này, Doosan Enerbility phải vượt qua tất cả các đánh giá về thiết kế, về sản xuất và thử nghiệm điển hình.
Doosan Enerbility bắt đầu kinh doanh điện gió vào năm 2005 và hiện đang nắm giữ các mô hình tuabin gió 3.3MW, 5.5MW và 8MW. Công ty này đã xây dựng nhà máy sản xuất tua-bin gió thứ hai vào năm ngoái để sản xuất thế hệ tuabin 5.5MW; đồng thời xem xét việc chuẩn bị thành lập nhà máy sản xuất tuabin 8MW.
Tuabin gió ngoài khơi với đường kính cánh quạt lớn nhất thế giới hiện nay là 252m, công suất 13,6 megawatt (MW) của Goldwind ra mắt tại Trung Quốc ngày 13/10 vừa qua. Tuabin này được sản xuất tại thành phố Phúc Kiến, tỉnh Phúc Kiến phía Đông Trung Quốc, có diện tích quét 50.000m2, tương đương với bảy sân bóng đá.
Trước đó danh hiệu đường kính cánh quạt lớn nhất thế giới thuộc về tuabin gió khổng lồ của Vestas (Đan Mạch) - V236-15.0 MW, có đường kính cánh quạt là 236m.
Tại Việt Nam, Doosan Enerbility Việt Nam (tên cũ là Doosan Vina) được thành lập năm 2007, chuyên sản xuất các kết cấu lớn bằng cách cung cấp các thiết bị chính của nhà máy điện và nhà máy hóa chất cũng như cần cẩu cảng cho khách hàng ở hơn 30 quốc gia.
Ngày 3/11 vừa qua, Công ty Doosan Enerbilily Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty năng lượng nhà nước Đan Mạch Ørsted về “Hợp tác cung cấp các cấu trúc phụ của tuabin gió ngoài khơi”. Theo đó, Doosan Enerbilily Việt Nam sẽ cung cấp móng cọc đơn cho các dự án điện gió ngoài khơi trên toàn cầu của Ørsted hiện đang được triển khai ở các khu vực như Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu.