Liên quan đến việc chuyển giao các ngân hàng yếu kém, tại buổi họp báo "Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025" vào ngày 7/1, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tích cực triển khai đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và hiện đang trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao Ngân hàng TNHH một thành viên Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank).
"Nếu được thông qua, NHNN kỳ vọng sẽ hoàn tất việc chuyển giao trước Tết Âm lịch nhằm hoàn thành kế hoạch chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém đã đề ra. Đối với SCB, ngân hàng này vẫn duy trì hoạt động ổn định và đảm bảo an toàn thanh khoản. Sau khi hoàn thành các công việc này, chúng tôi sẽ xây dựng và triển khai phương án tái cơ cấu SCB trong thời gian sớm nhất, để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt," ông Đào Minh Tú thông tin.
Trước đó, vào ngày 17/10, Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) đã chính thức được chuyển giao cho Vietcombank, trong khi Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) được chuyển giao cho ngân hàng MB.
Sau khi chuyển giao, CBBank và OceanBank trở thành các ngân hàng thương mại TNHH một thành viên, do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ. Dưới sự quản lý của Vietcombank và MB, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CBBank và OceanBank sẽ được bảo đảm đầy đủ theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.
Theo lãnh đạo NHNN, Vietcombank và MB là các ngân hàng thương mại hàng đầu, có đủ năng lực, kinh nghiệm và nền tảng vững chắc để triển khai thành công các phương án chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, việc nhận chuyển giao cũng là cơ hội để Vietcombank và MB mở rộng hoạt động và triển khai các mô hình kinh doanh mới.
Chênh lệch giữa vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới được kiểm soát
Chia sẻ tại buổi họp báo về công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Phó Thống đốc cho biết, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ từ các Bộ, ngành liên quan, mục tiêu kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong phạm vi phù hợp đã đạt được.
"NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách để sớm có cơ chế quản lý phù hợp, bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, người kinh doanh vàng và người dân," ông Tú nhấn mạnh, đồng thời cho rằng các chính sách cần được nghiên cứu kỹ lưỡng từ các cơ quan chức năng.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ, nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đã đề ra.
Trong phiên giao dịch chiều 7/1, giá vàng trong nước bật tăng trở lại sau phiên giảm nửa triệu đồng sáng nay. Theo đó, giá vàng miếng tại SJC đóng cửa ở mức 83,8 - 85,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300.000 đồng mỗi lượng ở cả chiều mua và bán so với giá kết phiên sáng.
Tương tự, giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ của SJC được niêm yết ở mức 83,8-85,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 300.000 đồng mỗi lượng ở cả chiều mua và bán. Còn giá vàng nhẫn 9999 tại Doji chốt phiên ở mức 84,4 - 85,4 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng mỗi lượng (mua vào - bán ra).
Giá kim loại quý trên thị trường thế giới cũnghồi phục mạnh trở lại. Tính tới 15h, (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay ở mức 2.642 USD/ounce, tăng hơn 5 USD so với phiên liền trước. Vàng giao tháng 2/2025 trên sàn Comex New York ở mức 2.654 USD/ounce.
Về tỷ giá, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.332 đồng/USD, giảm 5 đồng so với phiên trước. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD sáng nay dao động phổ biến ở mức 25.218 đồng/USD (mua vào) và 25.548 đồng/USD (bán ra).
Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức 82,1 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 3,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.