Phòng trưng bày hàng mẫu sản phẩm nông thủy sản và thực phẩm Nhật Bản của JETRO. Ảnh: Quách Sơn |
Các doanh nghiệp Việt tham gia trao đổi đã được tham quan phòng trưng bày hàng mẫu sản phẩm nông thủy sản và thực phẩm Nhật Bản của JETRO. Phòng trưng bày này bắt đầu mở cửa từ 8/9 và kéo dài đến 24/10 nhằm trưng bày các sản phẩm mới trong ngày thực phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Sản phẩm được trưng bày đa dạng, gồm các sản phẩm thực phẩm khô như bánh, mỳ, cơm,… các sản phẩm đông lạnh và rượu.
Theo đại diện của JETRO, chương trình này là sự nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm thành lập nền tảng hỗ trợ xuất khẩu, xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm, là những sản phẩm tiềm năng của Nhật Bản. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp Nhật Bản tìm đầu ra cho các sản phẩm, phục hồi doanh số bán hàng sau sự sụt giảm do dịch Covid-19.
Trong đó, Việt Nam, với vị thế là một trong 5 thị trường xuất khẩu chính của Nhật Bản cũng rất được quan tâm và đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Đây là năm thứ ba liên tiếp JETRO thực hiện chương trình trưng bày và xúc tiến thương mại các sản phẩm thực phẩm,
Ngoài ra, phòng trưng bày lần này được tổ chức vào thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị các sản phẩm đón Tết Nguyên đán nên được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội phát triển kênh bán hàng cho các sản phẩm thực phẩm và quà tặng.
Theo thông tin từ JETRO, có 99 doanh nghiệp Nhật Bản là những doanh nghiệp uy tín đến từ 8 vùng của Nhật Bản, đem tới 226 mặt hàng trực bày trực tiếp. Trong đó, có 11 công ty cung cấp thực phẩm đông lạnh lần đầu tiên tham gia showroom trong năm nay.
Sản phẩm trưng bày năm nay cho thấy những xu hướng đổi mới, có sự thích ứng với nhu cầu tiêu dùng của giới trẻ của các công ty Nhật Bản - vốn là thị trường ưa chuộng những mặt hàng truyền thống.
Các sản phẩm được thiết kế với bao bì bắt mắt hơn, hướng đến giới trẻ hơn như sản phẩm cơm, mỳ ramen ăn liền dành cho những người trẻ bận rộn; sản phẩm mỳ ramen ít đường, gạo cho người ăn kiêng; các sản phẩm thịt chay ; hay sản phẩm theo xu hướng xanh khi sử dụng bao bì tái chế... Ngoài ra, các sản phẩm rượu của Nhật Bản cũng rất được chú trọng, hướng tới cả những đối tượng người tiêu dùng nữ.
Các sản phẩm được thiết kế với bao bì bắt mắt hơn, hướng đến giới trẻ hơn như sản phẩm cơm, mỳ ramen ăn liền dành cho những người trẻ bận rộn. Ảnh: Quách Sơn |
Là một doanh nghiệp có 10 năm kinh nghiệm nhập khẩu và phân phối hàng hóa Hàn Quốc vào Việt Nam, những năm gần đây đang bắt đầu tiếp cận với việc phân phối hàng hóa từ Nhật Bản, bà Vũ Thị Thu, Giám đốc Công ty TNHH Faso Việt Nam chia sẻ, hàng hóa Nhật Bản được đánh giá cao tại thị trường Việt Nam nhờ chất lượng tốt, bền và tiện lợi, đặc biệt đối với các sản phẩm điện máy, thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, bà Thu chỉ ra còn một vài điểm khiến hàng Nhật Bản khó tiếp cận thị trường Việt Nam. Thứ nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản chưa chú trọng đến công tác truyền thông, marketing cho hàng hóa của mình tại Việt Nam, đặc biệt là hàng thực phẩm, đồ uống. Do đó, doanh nghiệp mong các doanh nghiệp, văn phòng xúc tiến của Nhật Bản có các chương trình truyền thông, quảng bá rộng rãi hơn và có nhiều chính sách hỗ trợ hơn đối với các nhà nhập khẩu hàng hóa.
Sản phẩm thiết kế theo xu hướng xanh khi sử dụng bao bì tái chế. Ảnh: Quách Sơn |
Ngoài ra, đi kèm với chất lượng cao, hàng hóa của Nhật Bản thường có mức giá cao hơn so với các hàng hóa cùng loại từ Hàn Quốc, điều này làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa từ Nhật Bản trong mắt người tiêu dùng. Riêng đối với nhà nhập khẩu, phân phối, theo đánh giá của bà Thu, mức giá chiết khấu mà các doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra cũng chưa hấp dẫn bằng hàng hóa của Hàn Quốc, đặc biệt là mặt hàng rượu.
Bởi riêng mặt hàng rượu, các nhà nhập khẩu phải chịu các mức thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, chưa kể đến những chi phí để vận chuyển hàng về Việt Nam. Vì vậy, sau khi nhập khẩu về, giá bán của các mặt hàng rượu bị đẩy lên cao hơn rất nhiều so với mức giá bán lẻ tại Nhật.
Do đó, doanh nghiệp mong các nhà xuất khẩu hàng thực phẩm, đồ uống của Nhật, đặc biệt với đồ uống có cồn, có thể có mức giá chiết khẩu hoặc các chính sách ưu đãi tốt hơn.