Theo đó, từ ngày 9/1 đến ngày 11/1, bằng phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh liên tục, Egroup đã bị CTCP Chứng khoán Mirae Asset bán giải chấp 900.000 cổ phiếu IBC, qua đó hạ sở hữu tại Apax Holdings xuống còn 35,8 triệu cổ phần, tương đương 43,03% vốn điều lệ công ty.
Giao dịch đó đã nâng số cổ phiếu IBC bị bán giải chấp của Egroup lên hơn 13 triệu đơn vị.
Trước đó, từ ngày 16/12 đến ngày 29/12, Chủ tịch HĐQT Egroup và Apax Holdings là ông Nguyễn Ngọc Thủy đã bị CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) bán giải chấp 1,56 triệu cổ phiếu IBC. Giao dịch hạ sở hữu của Shark Thủy tại IBC xuống còn 6,174% vốn điều lệ, tương đương với 5,134 triệu cổ phần.
Trên thị trường chứng khoán, sau chuỗi giảm sàn kỷ lục 26 phiên liên tiếp, cổ phiếu IBC bất ngờ tăng trần 8 phiên từ 29/12/2022 – 10/1/2023. Đà tăng này dừng lại ở phiên 11/1 khi IBC bất ngờ quay đầu giảm sàn. Chốt phiên 13/1, IBC giảm kịch biên độ phiên thứ 3 liên tiếp về còn 3.330 đồng/CP, giảm 19% so với phiên 10/1.
Egroup tiếp tục bị bán giải chấp 2,7 triệu cổ phiếu IBC của Apax Holdings
Trong văn bản giải trình cổ phiếu tăng trần từ 29/12 đến 5/1, đại diện công ty cho biết việc giá IBC tăng mạnh là do cung cầu cùng của thị trường chứng khoán, quyết định mua bán cổ phiếu là do nhà đầu tư quyết định. Apax Holdings không có bất kỳ sự tác động nào đến giá giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Về tình hình kinh doanh, trong quý 3/2022, Apax Holdings ghi nhận doanh thu thuần gần 374 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Do doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh cùng với chi phí tăng cao dẫn đến lợi nhuận trước thuế quý 3 của công ty chỉ đạt 2,6 tỷ đồng, bằng 1/5 so với quý 3/2021.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần Apax Holding đạt 1.043 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ chi phí bán hàng giảm 115 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm vẫn tăng 12,4% lên 38,5 tỷ đồng.