Theo đó, từ ngày 16/12 đến ngày 29/12, ông Thủy đã bị CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) bán giải chấp 1,56 triệu cổ phiếu IBC. Tính riêng trong ngày 29/12, Chủ tịch Apax Holdings bị bán giải chấp gần 491.000 đơn vị. Giao dịch hạ sở hữu của Shark Thủy tại IBC xuống còn 6,174% vốn điều lệ, tương đương với 5,134 triệu cổ phần.
Cũng trong khoảng thời gian trên, CTCP Chứng khoán Mirea Asset đã bán giải chấp 1,543 triệu cổ phiếu IBC thuộc sở hữu của Egroup – Công ty mẹ Apax Holdings. Hơn 648.000 đơn vị trong số này được bán trong phiên 29/12.
Bên cạnh đó, Egroup cũng bị BVSC bán giải chấp 8,776 triệu cổ phiếu IBC, trong đó 8,665 triệu cổ phiếu được bán giải chấp trong phiên 29/12.
Các giao dịch này hạ sở hữu của Egroup tại Apax Holdings xuống còn 39,38 triệu cổ phần, tương đương 47,36% vốn điều lệ IBC.
Như vậy, chỉ trong gần 2 tuần, ông Nguyễn Ngọc Thủy cùng Egroup đã bị các công ty chứng khoán bán giải chấp gần 11,9 triệu cổ phiếu IBC, 82,5% trong số đó (9,8 triệu cổ phiếu) được bán trong phiên 29/12 – phiên giao dịch lịch sử của IBC.
Cổ phiếu IBC mở đầu phiên 29/12 như thường lệ khi giảm kịch biên độ xuống còn 2.260 đồng/CP với hàng chục triệu cổ phiếu được kê lệnh giá sàn, tuy nhiên điều này không kéo dài quá lâu.
Chỉ sau 30 phút giao dịch, gần 11 triệu cổ phiếu IBC kê giá sàn nhanh chóng được hấp thụ, trong đó có những lệnh khớp lên đến gần nửa triệu đơn vị. Thị giá cổ phiếu này nhanh chóng đảo chiều, khi chỉ trong vài phút, IBC nhanh chóng đảo chiều tăng trần.
Cổ phiếu IBC của Apax Holdings được 'giải cứu'
Đà tăng được giữ cho tới hết phiên, thanh khoản chỉ nhích lên 11,89 triệu cổ phiếu khớp lệnh khi cầu bán giảm mạnh. Tuy nhiên từng đấy cũng đủ để đưa 29/12 thành phiên giao dịch với thanh khoản cao nhất kể từ khi lên sàn vào năm 2017 của IBC.
Với phiên tăng trần, IBC chính thức chấm dứt chuỗi giảm sàn kỷ lục 26 phiên liên tiếp của mình. Việc liên tục giảm sâu đã khiến Apax Holdings phải có tới 5 lần viết giải trình về việc cổ phiếu IBC giảm sàn 5 phiên liên tiếp – điều chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong công văn gần nhất, đại diện công ty là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Thủy giải thích nhà đầu tư cổ phiếu IBC có vay ký quỹ hay thế chấp đã bị bán chủ động/bán giải chấp từ các công ty chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn và hiện tượng này vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Đà lao dốc mạnh của cổ phiếu IBC diễn ra sau hàng loạt sự việc, mới nhất các công ty thuộc sở hữu và liên quan đến ông Nguyễn Ngọc Thuỷ đều xuất hiện trong danh sách nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Hà Nội trong tháng 11 với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Vào ngày 16/11 vừa qua, Cục Thuế TP Hà Nội đã ra 17 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Apax Holdings tại 9 ngân hàng và các chi nhánh với số tiền hơn 5,62 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trước những vụ việc liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương nợ lương giáo viên, đơn vị trực thuộc của Apax Holdings là Apax Leaders mới đây đã có thông báo tái cấu trúc các trung tâm đào tạo Anh ngữ trong hệ thống với mục tiêu nâng cao sự ổn định và chất lượng trong hoạt động giảng dạy.
Một trong những thay đổi đáng chú ý là các trung tâm chưa đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn về vận hành sẽ tạm dừng hoạt động giảng dạy trực tiếp, chuyển học viên sang các trung tâm Apax lân cận hoặc chuyển sang học trực tuyến với giáo viên nước ngoài.