EIB nằm sàn, hơn 6.000 cổ phiếu của VNG sang tay ở giá 1 triệu đồng

CTCP VNG VN INDEX
16:08 - 13/02/2023
Giao dịch nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản phiên 13/2.
Giao dịch nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản phiên 13/2.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index có phiên đầu tuần điều chỉnh sâu, tuy nhiên dòng tiền bắt đáy gia nhập cuối phiên giúp chỉ số rút chân nhanh. Cổ phiếu EIB có phiên nằm sàn thứ 2 liên tiếp, trong khi VNZ của kỳ lân công nghệ VNG chinh phục mức giá 1 triệu đồng/cp.

Kết phiên, VN-Index giảm gần 12 điểm xuống mốc 1.043,70 điểm. HNX-Index giảm 4 điểm xuống mốc 204,49 điểm còn UPCoM giảm 0,14 điểm. Mặc dù diễn biến tiêu cực nhưng một tín hiệu khả quan là lực cầu gia nhập vào cuối phiên, giúp VN-Index rút chân từ mức giảm sâu nhất trong phiên lên tới 23 điểm.

Thanh khoản thị trường có sự cải thiện so với phiên ảm đạm cuối tuần trước với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên khối ngoại không còn giữ được đà mua ròng, họ chuyển qua bán ròng hơn 80 tỷ đồng trên tổng số gần 2.000 tỷ đồng giao dịch tại sàn HoSE.

Mã bị bán ròng mạnh nhất là KDH với giá trị 50 tỷ đồng. DPM cũng bị bán ròng 36 tỷ đồng; VHM, VNM, VCI cùng bị bán ròng hơn 20 tỷ đồng. Danh sách khối ngoại bán ròng còn có SSI, DXG, DGC, SSI, SHB… Ngược lại, mã dầu khí PVD được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất với giá trị 48 tỷ đồng. MSN, BID, MIG, STB, HDB được mua ròng trên dưới 20 tỷ đồng.

Xét về mức độ ảnh hưởng, 2 mã bluechip ngân hàng là BID và STB có đóng góp tích cực nhất đến chỉ số với mức tăng lần lượt đạt 3,4% và 3,6%. Trong nhóm VN30, các mã giữ được sắc xanh khi kết phiên còn có VJC, VRE, SAB, MWG, MSN, CTG.

Trong khi đó, áp lực kéo giảm đến từ 2 mã bất động sản nằm sàn là NVL và PDR. Giảm mạnh còn có PDR -4,4%, VIB -3,8%, VPB -2,9%, VHM -2,2%, SSI và BVH -2,6%...

Tại nhóm bất động sản và xây dựng, không chỉ NVL và PDR mà hàng loạt các mã khác cũng trong tình trạng dư bán sàn như DIG, DXG, BCG, CRE, DPG, NBB, KHG, HBC, CTD, HPX… Cổ phiếu bất động sản và xây dựng vẫn đang chịu áp lực lớn từ kết quả kinh doanh tiêu cực năm 2022 cùng triển vọng chưa mấy rõ ràng trong năm 2023.

Các nhóm dẫn đầu chiều giảm hôm nay là thủy sản, chứng khoán và nông nghiệp. Tại nhóm thủy sản, ABT, ACL, FMC và VHC đồng loạt giảm sàn, không có mã nào tăng giá.

Nhóm chứng khoán chỉ có IVS giữ được chiều tăng. VIX, APS, CTS, EVS, WSS giảm hết biên độ. Nhiều mã giảm sâu 5-8% như VIG, VCI, TVC, TCI, SHS, SBS, HAC, AGR…

Nhóm nông nghiệp có HAG và ASM giảm sàn. HNG giảm 4,5%, BAF cũng giảm 2,3%.

Nhóm ngân hàng tránh được tác động lớn nhờ lực kéo từ BID và STB. Tuy nhiên đa số các mã còn lại đều ở chiều giảm. Trong đó EIB và OCB giảm sàn. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp, cổ phiếu EIB của Ngân hàng Eximbank trắng bên mua.

Diễn biến giá cổ phiếu EIB thời gian qua.

Diễn biến giá cổ phiếu EIB thời gian qua.

Liên quan đến EIB, ngày 13/2, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam chính thức phát đi thông cáo báo chí về việc đưa thông tin không chính xác, sai sự thật về các quỹ của Dragon Capital Việt Nam liên quan đến giao dịch cổ phiếu EIB.

Theo Dragon Capital, đơn vị này được biết cơ quan công an yêu cầu một số công ty chứng khoán cung cấp thông tin các tài khoản giao dịch cổ phiếu EIB trong năm 2022. Trong đó có tài khoản giao dịch chứng khoán của các quỹ mà Dragon Capital quản lý hoặc tư vấn.

Một số đối tượng đã lợi dụng việc này để đưa ra thông tin bịa đặt, không được kiểm chứng nhằm trục lợi, gây thiệt hại, ảnh hưởng đến uy tín của thị trường vốn Việt Nam, cũng như uy tín của nhiều tổ chức, cá nhân, bao gồm các quỹ của Dragon Capital.

"Các quỹ của Dragon Capital mua bán cổ phiếu EIB là hoạt động đầu tư bình thường, tuân thủ pháp luật, hoàn toàn minh bạch và phù hợp với chiến lược của Dragon Capital. Các quỹ của Dragon Capital không phải là bên bị tố giác trong vụ việc này”, công ty quản lý quỹ khẳng định.

Trước Dragon Capital, Chứng khoán Bản Việt và Chứng khoán ACB (ACBS) cũng lần lượt ra thông cáo báo chí về thông tin liên quan đến EIB và đều khẳng định không có sai phạm gì trong giao dịch cổ phiếu này.

Trở lại với giao dịch hôm nay, tâm điểm chú ý vẫn là VNZ của CTCP VNG. Cổ phiếu này tiếp tục phiên thứ 9 tăng trần liên tiếp, lên mức giá 1.027.400 đồng. Như vậy, VNZ chính là cổ phiếu đầu tiên trong lịch sử chinh phục được mức giá đó.

Đáng chú ý là khối lượng khớp lệnh VNZ phiên 13/2 lên tới 6.100 đơn vị, đột biến so với mức chỉ 100 đơn vị trong 7 phiên đầu tiên có thanh khoản và 300 đơn vị phiên thứ Sáu tuần trước.

Nhờ mạch tăng “nóng”, vốn hóa thị trường của VNG đã đạt mức 29.500 tỷ đồng, tương đương hơn 1,25 tỷ USD, gấp gần 4,3 lần thời điểm chào sàn. Với việc sở hữu 3,53 triệu cổ phiếu VNZ, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Lê Hồng Minh - nhà đồng sáng lập đồng thời là CEO VNG đã xấp xỉ ngưỡng 3.600 tỷ đồng, tăng thêm hơn 2.700 tỷ từ đầu tháng 2.

Tin liên quan

Đọc tiếp