Ảnh minh họa. Mekong ASEAN |
Tác động của cơ chế CBAM tới doanh nghiệp Việt Nam
Cơ chế CBAM sẽ bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp từ hôm nay 1/10/2023 với giai đoạn báo cáo đầu tiên cho các nhà nhập khẩu kết thúc vào ngày 31/1/2024.
Về cơ bản, cơ chế CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
Mặc dù các nhà nhập khẩu của châu Âu là đối tượng chịu trách nhiệm báo cáo và chịu phí CBAM, nhưng các nhà sản xuất của Việt Nam phải cung cấp thông tin về lượng sản phẩm, lượng phát thải trong sản phẩm, chi phí trả cho định giá carbon trong nước...
Theo báo cáo của các chuyên gia thuộc Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP), nhìn theo hướng tích cực, CBAM sẽ tạo ra động lực trực tiếp giảm phát thải cho các nhà sản xuất bị ảnh hưởng, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh và các cam kết giảm phát thải của Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.
Sau khi thực hiện đầy đủ vào năm 2026, các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ cần phải mua giấy chứng nhận CBAM. Giá của các chứng chỉ sẽ được tính tùy thuộc vào giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp ETS của EU được biểu thị bằng €/tấn CO2 thải ra.
Cơ chế CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. |
Dù hiện tại phần lớn hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam không thuộc nhóm này nhưng phạm vi có thể sẽ mở rộng và bao gồm nhiều sản phẩm hơn trong tương lai. CBAM sẽ tạo thêm chi phí đáng kể đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Theo khảo sát của các chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM trên 4 lĩnh vực hiện có hàng hóa xuất khẩu đáng kể vào thị trường EU (nhôm, thép, xi măng và phân bón) thì tác động của CBAM đối với toàn bộ nền kinh tế không lớn, nhưng đối với từng ngành hàng, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, có thể sẽ làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.
Trong đó, lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu của ngành nhôm cũng giảm hơn 4% và sản lượng giảm khoảng 0,4%. Đối với ngành xi măng và phân bón, mức độ tác động không đáng kể.
Doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng chấp nhận CBAM
Để ứng phó với quy định này của EU, tại báo cáo, tổ chuyên gia thuộc ETP cho rằng, Chính phủ Việt Nam và cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm ban hành hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị ứng phó, tăng cường năng lực kỹ thuật và thể chế để thích ứng với CBAM; tham gia đối thoại mang tính xây dựng với EU và đàm phán với EU để đưa ra điều kiện hợp lý cho Việt Nam; cải thiện khung chính sách về khử carbon như loại bỏ dần điện than, thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng...
Đặc biệt, cần xem xét việc áp dụng định giá carbon trong bối cảnh tổng thể. Nếu Việt Nam có quy định về định giá carbon, một phần tiền thuế doanh nghiệp xuất khẩu đáng lẽ phải trả cho EU sẽ được giữ lại ở Việt Nam.
Ngoài ra, về chính sách, theo báo cáo nêu trên, Chính phủ cần đàm phán, đối thoại và làm rõ quy định để giảm thiểu các tác động tiêu cực của cơ chế này. Ví dụ như làm rõ “chiều sâu” của phạm vi CBAM đến đâu, khả năng mở rộng CBAM sang các mặt hàng xuất khẩu các của Việt Nam như gốm sứ, giấy và bột giấy…; phản ứng của các quốc gia ngoài EU.
Tác động của CBAM trên 4 lĩnh vực hiện có hàng hóa xuất khẩu đáng kể vào thị trường EU gồm nhôm, thép, xi măng và phân bón là không nhỏ. |
Đối với doanh nghiệp, cần theo dõi sát các tiến trình và chuẩn bị kế hoạch ứng phó với CBAM, chuẩn bị cho các yêu cầu về báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Đồng thời, doanh nghiệp cần hợp tác với Chính phủ thông qua các chính sách khử carbon như định giá carbon và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, doanh nghiệp thuộc những ngành có nguy cơ cao như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, phân bón, năng lượng…, khi xuất khẩu sang thị trường EU nên có phương án giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất để không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của EU. Trước mắt cần xây dựng báo cáo phát thải và kiểm soát tốt lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn.
Việt Nam đang có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo khá lớn, nhất là khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt đang tập trung phát triển nguồn điện tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, điện gió…
Việt Nam cũng là quốc gia rất quan tâm tham gia các nỗ lực quốc tế về giải quyết biến đổi khí hậu. Về chuyển dịch năng lượng, hiện Việt Nam dẫn đầu khối ASEAN về lắp đặt điện gió và điện mặt trời từ năm 2019.
CBAM là gì?
Để ngăn chặn nguy cơ các doanh nghiệp EU tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo ở ngoài châu Âu để chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài, làm suy yếu nỗ lực trung hòa khí hậu toàn cầu, Liên minh châu Âu đã ban hành Cơ chế CBAM.
Nhà nhập khẩu phải kê khai hàm lượng phát thải trong hàng nhập khẩu và giao nộp số lượng tín chỉ tương ứng của mỗi năm thông qua việc mua chứng chỉ CBAM. Nếu chứng minh được giá carbon đã được thanh toán khi sản xuất hàng nhập khẩu, lượng phát thải tương ứng có thể được khấu trừ.
EU phân loại hàng hóa thành 2 loại để tính suất phát thải thực tế gồm hàng hóa đơn giản và hàng hóa phức tạp. Hàng hóa phức tạp sẽ tính toán cả lượng phát thải của nguyên liệu đầu vào.
Tính tới hiện tại, sắt thép, nhôm, hydrogen là những mặt hàng chỉ áp dụng CBAM cho phát thải trực tiếp ở giai đoạn đầu. Còn phân bón, xi măng, điện là những mặt hàng sẽ bị áp dụng CBAM cho cả phát thải trực tiếp và gián tiếp.
Những nước chịu ảnh hưởng đầu tiên là 5 đối tác thương mại hàng đầu tại châu Á của EU gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.