Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 quy tụ khoảng 300 đại biểu đến từ các Bộ ngành, doanh nghiệp, đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam tham dự. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/12.
Theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật), 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính vào năm 2025.
Đến hiện tại, một số doanh nghiệp thuộc ngành thép, xi măng, sản xuất nhiệt điện... đã sẵn sàng cho việc kiểm kê khí nhà kính. Tuy nhiên, con số này mới chỉ dừng ở mức 10%, thậm chí nhiều doanh nghiệp hoàn toàn không biết mình ở trong danh mục phải báo cáo kiểm kê.
Trong khi đó, Việt Nam đã đưa ra lộ trình để hình thành thị trường tín chỉ carbon thử nghiệm từ năm 2025 và hình thành thị trường tuân thủ vào năm 2029 - thời điểm bắt đầu trao đổi hạn ngạch.
"Việc kiểm kê khí nhà kính cho 2.166 doanh nghiệp sẽ là tiền đề để Việt Nam thử nghiệm và tiến tới hình thành thị trường tín chỉ carbon vào năm 2029," ông Thọ cho biết.
Năm 2023, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng), điều này cho thấy tiềm năng bán tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Do đó, nếu doanh nghiệp có thể khai thác nguồn tài chính khí hậu thông qua chi trả dịch vụ hệ sinh thái carbon, đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp thu hồi tiền vốn đầu tư vào chuyển đổi năng lượng, công nghệ trước đó.
Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Đình Thọ phát biểu tại sự kiện. |
Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ cần thời gian để tạo ra tín chỉ carbon và bán các tín chỉ này. Nếu doanh nghiệp phát thải lớn tại Việt Nam không bắt đầu từ bây giờ thì sẽ không có tín chỉ carbon giao dịch vào năm 2029 và sẽ bỏ lỡ các cơ hội lựa chọn trên thị trường này.
Ông Thọ cho rằng, khi tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, doanh nghiệp sẽ có 4 lựa chọn cơ bản. Trước hết là về kiểm soát công nghệ, nếu giá tín chỉ carbon trên thị trường cao thì doanh nghiệp lựa chọn đầu tư vào công nghệ, tạo ra tín chỉ carbon, lập kế hoạch phát thải và giảm phát thải, dùng tín chỉ carbon để thu hồi vốn.
Quyết định thứ hai là tham gia giao dịch đấu giá trên thị trường hạn ngạch; quyết định thứ ba là tham gia sở giao dịch và thứ tư là tham gia thị trường OTC (thị trường phi tập trung) để mua tín chỉ carbon bù trừ.
Để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai chương trình tập huấn đào tạo và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp phát thải lớn nằm trong 2.166 doanh nghiệp phải kiểm kê về kiểm soát công nghệ, huy động nguồn tài chính khí hậu toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số...