Ngày 14/10, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting VN) và Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam (CFO Việt Nam) đồng tổ chức sự kiện thường niên Cập nhật và Đối thoại về Thuế, Pháp lý và Hải quan, nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt về xu hướng và thay đổi mới nhất của môi trường chính sách thuế trong nước và quốc tế, cùng những phân tích chuyên sâu về những cơ hội và ảnh hưởng tiềm tàng đối với doanh nghiệp.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi tích cực sau hơn hai năm đối mặt và vượt qua những thử thách chưa từng có gây ra bởi đại dịch COVID-19. Việt Nam hiện được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu khu vực châu Á, với mức tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt 7,2%, theo dự báo của World Bank.
Tuy nhiên, với độ mở kinh tế lớn, các tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới như lạm phát cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, căng thẳng địa chính trị và rủi ro tiềm ẩn của một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hậu COVID-19, có thể sẽ tác động tới nền kinh tế Việt Nam nhanh và mạnh hơn so với các quốc gia khác.
Chính phủ Việt Nam đã thực thi nhiều chính sách ưu đãi về thuế và tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, nhưng dự kiến nhiều chính sách ưu đãi này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2022. Chính sách thuế trong giai đoạn tới có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi áp lực đảm bảo nguồn thu ngân sách khi các nhà làm chính sách phải cân bằng giữa các chính sách thuế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và các chính sách, biện pháp thuế nhằm tăng thu ngân sách hiệu quả.
Chính vì vậy, việc nắm bắt xu hướng và trọng tâm về các thay đổi chính sách thuế toàn cầu cũng như tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, tránh tổn thất, cũng như có cơ hội để tăng trưởng hiệu quả.
Theo bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc EY Consulting VN, chính sách thuế toàn cầu và khu vực đang thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa, số hóa nền kinh tế. Những xu hướng lớn này sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh, cũng như nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.
"Để tránh những tổn thất và nguy cơ bị xử phạt không đáng có, cũng như nắm bắt được cơ hội từ xu hướng thuế trong thời gian tới, doanh nghiệp cần tăng cường nguồn lực để hiểu và tuân thủ các nghĩa vụ thuế của mình", bà Hương khuyến nghị.