Fed trấn an người gửi tiền sau sự kiện SVB phá sản

SVB FED
11:34 - 13/03/2023
Fed trấn an người gửi tiền sau sự kiện SVB phá sản
0:00 / 0:00
0:00
Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẳng định, người gửi tiền tại ngân hàng SVB sẽ được quyền tiếp cận tất cả số tiền của họ bắt đầu từ thứ 2, ngày 13/3.

Người gửi tiền tại SVB sẽ được quyền tiếp cận tất cả số tiền

Vào sáng ngày 13/3 (theo giờ Việt Nam), website của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tuyên bố chung liên quan tới việc Silicon Valley Bank (SVB) bị phá sản.

Thông báo cho thấy, Bộ Tài Chính, Fed và Công ty Bảo hiểm liên bang (FDIC) đang thực hiện các hành động quyết liệt nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng cách củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng tại quốc gia này.

Các cơ quan này đảm bảo rằng hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp tục thực hiện vai trò quan trọng của mình trong việc bảo vệ tiền gửi và cung cấp khả năng tiếp cận tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp theo cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững.

Các cơ quan cũng sẽ tạo điều kiện hết sức có thể nhằm giúp các ngân hàng có khả năng đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng.

Tuyên bố chung nhấn mạnh: Người gửi tiền tại SVB sẽ được quyền tiếp cận tất cả số tiền của họ bắt đầu từ thứ 2, ngày 13/3. Đồng thời, người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào liên quan đến các giải pháp giải quyết hậu quả của SVB.

Chương trình tài trợ có kỳ hạn ngân hàng (BTFP)

Thông báo cũng nêu rõ, Fed đang thành lập một "Chương trình tài trợ có kỳ hạn ngân hàng (BTFP)" mới nhằm đảm bảo các ngân hàng có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả khách hàng gửi tiền, hỗ trợ các doanh nghiệp và nhiều gia đình Mỹ trong giai đoạn này.

Cụ thể, Chương trình BTFP mới sẽ cung cấp các khoản vay với kỳ hạn lên đến một năm, giúp giảm căng thẳng về thanh khoản. Nếu muốn vay, các đơn vị cần có các tài sản như trái phiếu Kho bạc, trái phiếu do cơ quan liên bang phát hành và chứng khoán đảm bảo để làm tài sản thế chấp.

Theo các quan chức Fed, chương trình này có khả năng bảo vệ các khoản tiền gửi không được bảo hiểm trong hệ thống ngân hàng tại Mỹ. "Fed và FDIC sẽ tiếp tục giám sát thị trường tài chính và thực hiện các bước bổ sung phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn", giới chức Fed khẳng định.

Ở diễn biến liên quan, trong thông báo chung hôm 12/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết chính phủ Mỹ sẽ không giải cứu ngân hàng SVB mà chỉ bảo vệ người gửi tiền tại đây.

Đây là nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn việc các ngân hàng bị rút tiền thêm nữa. Nó cũng đồng thời giúp các công ty gửi số tiền lớn tại SVB tiếp tục trả lương nhân viên và hoạt động bình thường.

Chính phủ Mỹ cũng khẳng định người dân sẽ không phải chịu trách nhiệm với bất kỳ khoản thiệt hại nào liên quan đến SVB.

SVB thành lập năm 1983, cho vay gần nửa số startup công nghệ và y tế tại Mỹ. Ngày 10/3, các cơ quan quản lý Mỹ thông báo ngân hàng này đã ngừng hoạt động, gây ra vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất nước này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 khi khách hàng rút tới 42 tỷ USD khiến ngân hàng mất khả năng thanh toán.

Chỉ hai ngày sau đó, đến lượt Signature Bank - ngân hàng quen thuộc với giới tiền số - bị chính quyền New York đóng cửa và chuyển giao tài sản cho FDIC. Ngân hàng này có 110 tỷ USD tài sản và 88,6 tỷ USD tiền gửi.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.