Ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Bộ phận dữ liệu tài chính FiinGroup. Ảnh: FiinGroup. |
Chia sẻ tại hội thảo "Làm sao để biết một trái phiếu đắt hay rẻ" ngày 15/8 về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Bộ phận dữ liệu tài chính FiinGroup cho biết, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp từ đầu năm đến 13/8/2024 đạt 240.000 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, đưa quy mô lưu hành đạt 1,21 triệu tỷ đồng, tức khoảng 11,7% GDP năm 2023, theo dữ liệu của FiinGroup.
"Con số này cho thấy phát hành trái phiếu mới trên thị trường sơ cấp đang diễn ra chậm nhưng từng bước có chiều sâu hơn," chuyên gia FiinGroup nhận định.
Về cơ cấu phát hành, trái phiếu ngân hàng đạt 136.500 tỷ đồng, chiếm 68% tổng giá trị phát hành; trái phiếu bất động sản đạt 43.200 tỷ đồng, chiếm 21,54%.
Lãi suất danh nghĩa bình quân huy động ở mức 7,47%/năm trong 8 tháng 2024, giảm 66 điểm so với mức bình quân 8,13% của năm 2023. Kỳ hạn bình quân ở mức 3,8 năm cho 8 tháng 2024 và giảm so với mức bình quân 4,7 năm của 2023.
Về trái phiếu đến hạn, số dư trái phiếu (cả gốc và lãi) đến hạn trong năm 2024 ở mức 315.000 tỷ đồng và năm 2025 đạt đỉnh ở mức 334.000 tỷ đồng.
Riêng trái phiếu bất động sản thì số dư đến hạn năm 2024 hiện ở mức 60.000 tỷ đồng và năm 2025 ước tính ở mức 135.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo chuyên gia, tình hình chậm trả đã giảm khá nhiều so với đỉnh điểm năm 2023, đặc biệt là trái phiếu bất động sản, do các nhà đầu tư và tổ chức phát hành đã chủ động tái cơ cấu nợ trái phiếu.
Dự báo về triển vọng thị trường, chuyên gia của FiinGroup cho biết, trong thời gian tới, trái phiếu ngân hàng sẽ vẫn là nhóm chủ đạo dẫn dắt thị trường, dự kiến chiếm khoảng 70% giá trị phát hành nửa cuối năm 2024. Trong khi đó, trái phiếu bất động sản bắt đầu hồi phục nhờ một số dự án có tiến độ pháp lý và trái phiếu hạ tầng có dấu hiệu khởi sắc.
Lãi suất vẫn cơ bản trên nền thấp nhưng nhiều tổ chức phát hành đang cân nhắc sử dụng vay dài hạn ngân hàng hay phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư phi ngân hàng. Bên cạnh đó, thị trường đang mong đợi hỗ trợ chính sách từ Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp phép cho các ngân hàng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo, ông Trần Phú Việt dự báo.
Ngân hàng "hối hả" phát hành - mua lại trái phiếu
Theo thống kê của Mekong ASEAN, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 ghi nhận điểm sáng đáng chú ý đến từ nhóm ngân hàng khi liên tục có lượng phát hành vượt trội so với các ngành khác.
Vào giữa tháng 7/2024, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) đã thông báo chào bán trái phiếu đợt 2 ra công chúng với tổng giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm, là nợ thứ cấp và thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của HDBank. Trái phiếu do HDBank phát hành có lãi suất thả nổi, áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn của trái phiếu. Lãi suất được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm biên độ 2,8%/năm.
Từ đầu năm đến nay, HDBank đã phát hành 10 lô trái phiếu, phần lớn trong đó đều có mức lãi suất 7,47%/năm và 7,8%/năm, kỳ hạn 7-8 năm.
Cùng thời điểm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng chào bán 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm nay cho nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân và người nước ngoài tại tất cả điểm giao dịch trên toàn quốc.
Lãi suất trái phiếu Agribank được xác định bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiền đồng kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ của 4 ngân hàng BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank tại ngày xác định lãi suất) cộng biên độ 2%/năm. Kỳ hạn của trái phiếu là 10 năm, trong 5 năm cuối trước khi đến hạn, nếu Agribank không mua lại theo quyền, biên độ của trái phiếu lên tới 3%/năm.
Đầu tháng 8/2024, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) công bố chào bán trái phiếu ra công chúng (đợt 1) qua phương thức phát hành trực tiếp tại các điểm giao dịch. BVB dự kiến có 6 đợt phát hành với tổng cộng 56 triệu trái phiếu. Trong đó đợt 1 chào bán 15 triệu trái phiếu, thời hạn 6 năm với lãi suất năm đầu tiên cố định 7,9%/năm. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng.
Như vậy, dự kiến trong đợt 1, BVBank sẽ huy động 1.500 tỷ đồng từ kênh trái phiếu ra công chúng. Đối tượng chào bán trái phiếu ra công chúng là khách hàng cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu.
HĐQT Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm tài chính 2024 với tổng quy mô tối đa 15.000 tỷ đồng.
Theo đó, ACB sẽ phát hành tối đa 150.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Giá phát hành bằng mệnh giá, kỳ hạn tối đa 5 năm. Mục đích phát hành trái phiếu được ACB thông tin nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư và bảo đảm tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ở chiều ngược lại, thị trường cũng chứng kiến xu hướng mua lại trước hạn trái phiếu của nhóm ngân hàng.
Ngày 29/7, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã mua lại toàn bộ 4.000 tỷ đồng trái phiếu mã TCBL2326004. Đến ngày 31/7/2024, ngân hàng này tiếp tục tất toán trước hạn 2.000 tỷ đồng lô trái phiếu TCBL2326005. Được biết, cả 2 lô trái phiếu nói trên đều được phát hành vào tháng 7/2023, kỳ hạn 36 tháng.
Ngày 26/7, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tiến hành mua lại 1.000 trái phiếu mã VPBL2125017, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Tổng giá trị mua lại là 1.000 tỷ đồng. Sau đó 3 ngày, ngân hàng này tiếp tục mua lại trước hạn 1.000 tỷ đồng lô trái phiếu mã VPBL2125018, đưa khối lượng còn lại sau khi mua lại theo mệnh giá về còn 0 đồng. Cũng trong ngày 29/7, Ngân hàng VPBank tất toán trước hạn lô trái phiếu VPBL2125019 với giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng.
Cả 3 lô trái phiếu nói trên đều được phát hành vào tháng 7/2024, kỳ hạn 4 năm. Lãi suất phát hành là 4%/năm.