Chỉ số các nền kinh tế kỹ thuật số FT-Omdia do tờ Financial Times và Công ty nghiên cứu công nghệ Omdia đăng tải ngày 22/11, phân tích về quy mô và tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế số hàng đầu thế giới trong giai đoạn 2022-2026. Chỉ số này theo dõi các thước đo tăng trưởng ở 5 hạng mục lớn: Kết nối, thiết bị di động, giải trí kỹ thuật số, thanh toán số và chi phí cho các dịch vụ công nghệ thông tin.
Tốc độ tăng trưởng hằng năm kép giữa các nước trong giai đoạn 2022-2026. |
Chỉ số các nền kinh tế kỹ thuật số FT-Omdia nhận định rằng, trong 5 năm tới Việt Nam sẽ chứng kiến một sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ.
Cùng với đó, dự báo cũng cho thấy Việt Nam sẽ có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) là 8,9% trong giai đoạn 2022-2026, nhanh nhất trong số 51 quốc gia được khảo sát. Theo sau là Ấn Độ (8,7%), Mexico (8,1%), Indonesia (7,7%) và Israel (7,5%).
Về thước đo tốc độ thâm nhập thiết bị di động và khả năng kết nối nhanh chóng, Việt Nam đứng đầu trong Chỉ số các nền kinh tế số FT-Omdia. Nền kinh tế gần 100 triệu dân cũng được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực giải trí và thanh toán kỹ thuật số.
Theo Financial Times, các nhà phân tích cho rằng sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi dân số trẻ, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, cùng với dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Với tỷ lệ 70% dân số dưới 35 tuổi, ông Mike Roberts, cố vấn chính tại Omdia cho rằng, dân số Việt Nam là "một động lực khác" cho sự tăng trưởng của nền kinh tế số. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tỷ lệ biết chữ của những người từ 15-24 tuổi ở Việt Nam đạt 99% vào năm 2019. Điều này giúp Việt Nam trở thành thị trường chính cho thiết bị di động.
Về chính sách, ông Mike Roberts đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, bao gồm mục tiêu phổ cập việc truy cập Internet băng rộng tới 100% người dân sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) và kế hoạch chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, trong đó đặt ra các nhiệm vụ, mục tiêu để nâng cấp cơ sở dữ liệu, dịch vụ công và cơ sở hạ tầng ngân hàng.
Cuối năm 2021, Việt Nam lần đầu tiên đấu giá phổ tần 5G và hứa hẹn sẽ đạt 2,4 triệu thuê bao 5G vào cuối năm nay sau khi 3 nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone triển khai dịch vụ Internet này.
Tuy nhiên, chuyên gia Mike Roberts cho rằng, mặc dù các chính sách của Chính phủ Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội tiềm năng cho các nhà đầu tư, nhưng một số mục tiêu vẫn chưa khả quan. Thêm nữa, thu nhập của người dân Việt Nam tương đối thấp và cơ sở hạ tầng vật chất vẫn còn kém phát triển. Cả hai yếu tố này đều có thể kìm hãm sự tăng trưởng, cũng như việc ứng dụng các sản phẩm kỹ thuật số.
"Khả năng kết nối ở Việt Nam phát triển như vũ bão, nhưng tốc độ thực tế của các dịch vụ băng thông rộng trong nước vẫn còn chậm", ông Roberts nói thêm.
Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài
Các nhà phân tích cho biết, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Việt Nam được hưởng lợi từ việc các nhà đầu tư không còn xu hướng đầu tư vào Trung Quốc, lo ngại trước sự bất ổn của thị trường công nghệ của quốc gia này, cũng như chính sách "zero-Covid" nghiêm ngặt của Bắc Kinh (Trung Quốc).
Việt Nam được Omdia nhận xét là một trong những điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á đối với các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt trong ngành sản xuất. Tháng 8 vừa qua, Nikkei Asia đưa tin, Apple đang đàm phán để bắt đầu sản xuất Apple Watch, Macbook lần đầu tiên tại Việt Nam, sau khi Apple phải hứng chịu lệnh phong toả kéo dài 2 tháng ở Thượng Hải (Trung Quốc) buộc phải chuyển dịch chuỗi cung ứng.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch của Dragon Capital, một tập đoàn đầu tư có trụ sở tại Việt Nam cho biết, ngày càng có nhiều công ty chuyển trụ sở khu vực của họ đến TP HCM.
Khác với Trung Quốc, dân số trẻ mang lại cho Việt Nam một lợi thế vượt trội về nhân khẩu học. "Có rất nhiều người trẻ ở Việt Nam lựa chọn theo đuổi con đường làm giàu, điều mà tôi nghĩ ít người trẻ ở Trung Quốc không hứng thú", ông Dominic chia sẻ.
Tuy nhiên, những khó khăn kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, sẽ tạo ra không ít những rủi ro.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đã giảm hơn 14% trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9 và nguyên nhân một phần là do tốc độ tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế phương Tây.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong tháng 10 đã tăng lên 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù con số này thấp hơn đáng kể so với mức tăng ở phương Tây trong nhiều thập niên. Các nhà phân tích cũng bày tỏ sự lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng và sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm của Việt Nam sẽ phải đối mặt với giá hàng hoá tăng cao sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Ông Nick Lonsdale, Giám đốc điều hành Nashtech, một tập đoàn công nghệ thông tin của Anh, đồng thời là công ty công nghệ nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam đã chứng kiến Việt Nam ngày càng "trưởng thành" hơn với việc số hoá mọi thứ, từ ngân hàng và dịch vụ quản lý tài sản cho đến chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm trong những năm gần đây.
"Sự thịnh vượng có thể nhận thấy rõ ràng", Giám đốc Nick Lonsdale nói.