Tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: Minh Phong |
Theo đó, cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 của FLC đã không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 1 Điều 145 Luật Doanh nghiệp và khoản 1 Điều 18 Điều lệ công ty do số cổ đông dự họp đại diện không đủ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của công ty. Thông báo mời họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2 sẽ được FLC gửi tới cổ đông trong thời gian tới.
Cuộc họp được tổ chức tại tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Tại đại hội, cổ đông FLC sẽ nghe báo cáo của Hội đồng quản trị về kết quả tái cơ cấu và bàn về kế hoạch kinh doanh năm 2024, đồng thời thông qua đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Lê Thái Sâm và Thành viên Ban kiểm soát của ông Nguyễn Tri Thống.
FLC gia hạn bất thành lô trái phiếu gần 1.000 tỷ đồng
Sau khi cựu Chủ tịch HĐQT FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán đầu năm 2022, FLC luôn gặp khó mỗi lần tổ chức ĐHĐCĐ. Tại ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 2/2023, cuộc họp cũng không thể diễn ra do không đủ số lượng cổ đông tham dự và phải tới lần thứ 2 vào tháng 3/2023, ĐHĐCĐ của FLC mới được tổ chức thành công.
Ở một diễn biến đáng chú ý khác, FLC vừa công bố biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu của mã FLCH2123003. FLCH2123003 có kỳ hạn 24 tháng, được phát hành vào ngày 28/12/2021 và sẽ đáo hạn vào ngày 28/12/2023. Lô trái phiếu hiện đang có 99.641 trái phiếu đang lưu hành, tương đương giá trị 996 tỷ đồng theo mệnh giá.
Theo biên bản kiểm phiếu người sở hữu trái phiếu, FLC đề ra các phương án gia hạn trái phiếu từ 24 tháng lên 48 tháng kể từ ngày phát hành là 28/12/2021, lãi suất cố định áp dụng là 13%/năm.
Theo biên bản được công bố, tổng số phiếu lấy ý kiến phát ra là 363 phiếu, đại diện cho toàn bộ 99.641 trái phiếu đang lưu hành. Tuy nhiên số phiếu thu về chỉ là 114 phiếu, đại diện cho 31.435 trái phiếu, chiếm tỷ lệ 31,55%, trong đó số phiếu lấy ý kiến hợp lệ là 33, số phiếu không hợp lệ là 81, đại diện lần lượt 7,29% và 24,26% trái phiếu đang lưu hành. Theo đó, người sở hữu trái phiếu không thông qua bất cứ phương án nào trong số 4 phương án nêu trên.