Ảnh minh họa |
Trong báo cáo xếp hạng thị trường tháng 10/2024 vừa công bố của FTSE Russell, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. Việt Nam được thêm vào danh sách này từ tháng 9/2018.
Theo đánh giá của FTSE Russell, cơ quan quản lý Việt Nam đã có những động thái tích cực nhằm giải quyết vướng mắc còn tồn đọng để hướng đến nâng hạng thị trường.
Tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi một số quy định về giao dịch chứng khoán. Nội dung đáng chú ý là bãi bỏ quy định nhà đầu tư tổ chức nước ngoài bắt buộc phải nộp đủ tiền vào tài khoản trước khi thực hiện giao dịch (ký quỹ trước giao dịch, pre-funding). Thông tư mới cũng quy định lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với các tổ chức niêm yết.
Tuy nhiên, theo FTSE Russell, Việt Nam vẫn cần cải thiện các tiêu chí về chu kỳ thanh toán (DvP), quá trình đăng ký tài khoản mới, và việc tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn hoặc sắp cạn giới hạn sở hữu nước ngoài (room ngoại).
Việc FTSE Russell chưa nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong kỳ đánh giá này không có gì bất ngờ khi hầu hết các đơn vị phân tích đều dự báo ít nhất đến năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam mới được FTSE Russell nâng hạng.
Trong báo cáo phát hành cuối tháng 9 vừa qua, Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, việc xóa bỏ yêu cầu ký quỹ 100% trước khi giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện mấu chốt để Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp.
Tuy nhiên các công ty chứng khoán cần thời gian xây dựng quy trình và triển khai sản phẩm này, trước khi FTSE khảo sát lấy ý kiến của các bên tham gia thị trường để quyết định có nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam hay không. ACBS kỳ vọng FTSE sẽ thêm Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3/2025.
Công ty chứng khoán cho rằng, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cột mốc đáng kể để TTCK Việt Nam được công nhận là thị trường có khả năng tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dự kiến tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7-0,9% danh mục thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 500-600 triệu USD từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số, chưa kể dòng vốn từ các quỹ chủ động.
Hiện tại, ACBS nhận thấy có 8 cổ phiếu Việt Nam gần như chắc chắn sẽ được thêm vào danh mục thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE, bao gồm: VCB, GAS, VHM, VIC, HPG, VNM, MSN, SSI. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu tiềm năng khác cũng có khả năng được lọt vào danh mục nếu thoả mãn các điều kiện về vốn hoá, tỷ lệ sở hữu nước ngoài còn lại và thanh khoản giao dịch tại thời điểm cơ cấu danh mục.
Chứng khoán SSI, trong báo cáo phát hành ngày 18/9 vừa qua, cũng đánh giá Thông tư 68 là một bước tiến gần hơn để thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng các yêu cầu nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell. Đơn vị phân tích duy trì kịch bản Việt Nam sẽ được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025.
Theo SSI, với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, dòng vốn từ các quỹ ETF vào thị trường Việt Nam có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).
Đơn vị phân tích dự báo các cổ phiếu hưởng lợi khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng gồm: VNM, VHM, VIC, HPG, VCB, SSI, MSN, VND, DGC, VRE, VCI.