Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và quan chức các nước tham dự phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh hòa bình, Thụy Sĩ, ngày 15/6. Ảnh: Reuters |
Theo CNN, tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ tái khẳng định cam kết của các bên đã tham gia ký kết về việc “kiềm chế đe dọa sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, bao gồm cả Ukraine, trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận”.
Các bên cũng đạt được thỏa thuận về việc kêu gọi khôi phục quyền kiểm soát của Ukraine đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - hiện do Nga kiểm soát, tiếp cận các cảng biển ở Biển Đen và Biển Azov; yêu cầu Nga kiểm soát sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuyên bố kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột trao trả hoàn toàn các tù binh và các trẻ em “bị di dời bất hợp pháp”.
Trong phát biểu ngày 16/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh rằng tuyên bố chung là “những bước đầu tiên hướng tới hòa bình”. Ông cho biết Kiev đang đàm phán với một số quốc gia về việc đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai, nhưng không tiết lộ về thời gian.
Quang cảnh phiên họp toàn thể tại Hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine ở Thụy Sĩ, ngày 15/6. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Chúng tôi biết rằng hòa bình ở Ukraine sẽ không đạt được chỉ trong một bước, đó sẽ là một cuộc hành trình”. Quan chức này cũng kêu gọi các bên cần có “sự kiên nhẫn và quyết tâm”.
Tại cuộc họp báo, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cho biết “đại đa số” những bên tham gia đã đồng ý với tuyên bố chung, “cho thấy những gì mà ngoại giao có thể đạt được”. Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis nói rằng Bern sẽ liên hệ với chính quyền Moscow, nhưng không cho biết thông điệp sẽ là gì.
Mặc dù vậy, tuyên bố chung trên không nhận được sự ủng hộ từ Armenia, Brazil, Tòa thánh Vatican, Ấn Độ, Indonesia, Colombia, Mexico, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thái Lan và Nam Phi.
Trước đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, chỉ ra rằng bất kỳ tiến bộ có ý nghĩa nào trong các cuộc đàm phán đều “sẽ đòi hỏi sự thỏa hiệp khó khăn” giữa các bên. “Điều cần thiết là phải nhấn mạnh rằng bất kỳ tiến trình đáng tin cậy nào cũng cần có sự tham gia của Nga,” ông nhấn mạnh.
Ukraine tìm kiếm hòa bình tại hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock, Thụy Sĩ, vào ngày 15-16/6. Hội nghị xoay quanh các chủ đề chính bao gồm an ninh hạt nhân và lương thực, hàng hải an toàn và trao đổi tù nhân.
Theo danh sách chính thức tham gia ngày 14/6, hội nghị có sự tham dự của hơn 90 quốc gia và tổ chức quốc tế. Trong số các quan chức cấp cao tham dự có lãnh đạo các nước Argentina, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Ba Lan, Thụy Điển và Anh. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng có mặt tại Thụy Sĩ và công bố gói viện trợ trị giá 1,5 tỷ USD để hỗ trợ nhân đạo và giúp tái thiết Ukraine.
Nga không được mời tới hội nghị này, trong khi Trung Quốc không tham dự.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 15/6 nói với TASS rằng Moscow sẽ không gửi bất kỳ thông điệp nào tới những bên tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ. “Chúng tôi muốn trong lần tới, cuộc xung đột sẽ được thảo luận tại một sự kiện mang tính xây dựng và hứa hẹn hơn”.
Ngày 16/6, ông Peskov cảnh báo diễn biến trên tiền tuyến đang "tiếp tục xấu đi đối với Ukraine", đồng thời kêu gọi nước này nên xem xét điều kiện mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra, bao gồm việc từ bỏ mong muốn gia nhập NATO và rút quân khỏi 4 khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập vào cuối năm 2022.