Ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội. Ảnh: THQH |
Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế và xã hội của Việt Nam, tăng trưởng kinh tế chậm lại chỉ còn 1,42% trong 9 tháng đầu năm nay. Ước tính năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo chỉ giảm 0,5%, giảm từ 2,75% xuống 2,25% (tương ứng với giảm 130.000 hộ nghèo, còn khoảng 631.000 hộ nghèo), đồng thời cả nước sẽ có khoảng 4.900 hộ tái nghèo và 57.500 hộ nghèo mới phát sinh (tăng 28.000 hộ).
Thực tế này đang đặt ra thách thức rất lớn đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, trong khi hệ thống chính sách trong lĩnh vực này còn một vài hạn chế. Đây là nhận định của ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, tại phiên thảo luận “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế” của Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 chiều 05/12.
Doanh nghiệp đang có nhu cầu rất lớn được phục hồi sản xuất, người lao động đang rất mong mỏi được đi làm trở lại |
Việc làm là gốc của chính sách an sinh xã hội
Đưa ra gợi ý chính sách an sinh xã hội trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế, ông Đinh Ngọc Quý cho rằng: “Đại dịch COVID-19 đã đẩy lùi hàng chục năm thành quả giảm nghèo, có những chỉ số lùi về những năm 2013 – 2015, cho thấy tác động ghê gớm của COVID-19 đối với mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội”.
Trong khi đó, an sinh xã hội và y tế phải là những hợp phần quan trọng trong chương trình phục hồi kinh tế. Hiện an sinh xã hội của chúng ta vẫn còn hạn chế cả về tổ chức thực hiện, quy mô và đối tượng. Do vậy, về ngắn hạn cần tập trung rà soát để các chính sách đã ban hành được thực hiện công bằng, không ai bị bỏ sót. Về dài hạn, chúng ta phải nhất quán quan điểm kiên định mục tiêu bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân.
Cho rằng, việc làm công là một yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ông Đinh Ngọc Quý đã có những nhấn mạnh về vấn đề này và khẳng định tạo việc làm cho người lao động sẽ là cái gốc của chính sách.
“Chúng ta nói rất nhiều về đầu tư công, việc làm công, tuy nhiên thời gian qua việc này chưa hiệu quả. Vấn đề đặt ra làm sao để thúc đẩy đầu tư công gắn với thị trường lao động. Việc làm mới là cái gốc, tạo ra thu nhập”.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội cũng cho biết, hiện nay mới có 1/3 lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và trên 60% người già không có lương hưu. Đây là thách thức rất lớn đối với đảm bảo an sinh xã hội. Ông cũng cho rằng hiện còn dư địa rất lớn trong việc xã hội hóa, phát triển khu vực tư tham gia lĩnh vực bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, ông Quý cũng chia sự hạn chế trong quản trị thị trường lao động đang yếu về cơ sở dữ liệu, tính kết nối hỗ trợ cho các doanh nghiệp chưa hiệu quả. “Nếu điều này không làm sớm sẽ lỡ nhịp trong việc phục hồi và phát triển bền vững, ảnh hưởng đến tốc độ tăng năng suất lao động”, ông Đinh Ngọc Quý nhấn mạnh.
Định hướng giải pháp hoàn thiện và đảm bảo an sinh xã hội
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: chính sách an sinh xã hội hiện hành về cơ bản đã hoạt động hiệu quả, tuy nhiên một số chính sách còn bất cập nên chưa thu hút được nhiều người lao động tham gia như bảo hiểm xã hội.
"Quy mô các gói hỗ trợ (xét tỷ lệ giá trị/GDP) còn nhỏ so với nhiều quốc gia trên thế giới. Đối tượng hỗ trợ rộng, thuộc đủ mọi thành phần kinh tế; yêu cầu về trình tự thủ tục còn phức tạp, điều kiện được hỗ trợ quá chặt chẽ".
Quá trình tổ chức thực hiện, do công tác quản lý lao động còn hạn chế nên các địa phương gặp khó khăn trong xác định đối tượng và thực hiện chi trả đối với lao động tự do. Các địa phương còn chưa chủ động về kinh phí hỗ trợ; cơ chế phân bổ ngân sách giữa Trung ương và địa phương đã cải thiện nhưng vẫn tạo gánh nặng cho địa phương trong quá trình thực hiện, đặc biệt đối với các tỉnh nghèo.
Đưa ra những đề xuất hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, ông Tuấn nhấn mạnh các định hướng như khẩn trương sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm y tế… để nhanh chóng mở rộng phạm vi bao phủ để phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững, phù hợp với các thách thức khách quan về già hóa dân số, biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế.
Bên cạnh đó là hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội hỗ trợ đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi các trường hợp khẩn cấp trên diện rộng, tăng cường chính sách an sinh xã hội liên quan đến người di cư để hạn chế làn sóng lao động trở về địa phương như đợt dịch COVID-19 lần thứ tư vừa qua.
Ngoài ra cũng cần thiết phải hoàn thiện hệ thống thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu hiện đại về an sinh xã hội, đảm bảo sự chia sẻ thông tin, dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện an sinh xã hội cho người dân, góp phần thực hiện thành công chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau” và phát triển bền vững.