Sáng nay (23/11), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Công nghiệp công nghệ số.
Đổi mới để bay cao, sáng tạo mới vươn xa, hội nhập thì mới phát triển
Phát biểu góp ý tại tổ 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định hai dự luật này rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay Việt Nam còn là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế còn rất khiêm tốn và thiếu vốn. Do vậy “các cơ chế, chính sách nào để huy động được nguồn vốn tối đa nhất, hợp pháp nhất, hiệu quả nhất thì chúng ta phải lựa chọn,” Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ 8. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN |
Dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm rằng nội hàm kỷ nguyên mới của Việt Nam là xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường và thịnh vượng, nhân dân được hạnh phúc, ấm no, Thủ tướng nhấn mạnh: “Điều đó đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách vận hành. Điều này phải dựa trên tổng kết thực tiễn của chúng ta. Cái gì đã đạt được thì phải tiếp tục phát huy, cái gì chưa được thì phải sửa, cái gì còn vướng mắc thì phải tháo gỡ, thách thức thì phải vượt qua thì mới phát triển được”.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tinh thần phải thay đổi tư duy, bởi: "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy. Tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ đổi mới sáng tạo. Sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp. Đổi mới để bay cao. Sáng tạo mới vươn xa. Hội nhập mới phát triển được".
Theo Thủ tướng, trong cái bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam cần kết hợp được sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại, sức mạnh trong nước, sức mạnh ngoài nước. Trong quá trình đổi mới, sáng tạo và huy động nguồn lực thì phải bắt nguồn từ nội lực của mình là chính, bao gồm con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa.
"Nội lực đó phát huy từ cơ chế, chính sách. Vậy nên cơ chế, chính sách được ban hành đúng trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước, xu thế chung của thời đại thì sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh. Thậm chí, có thể làm chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế 'như khoán 10, khoán 100' giúp từ thiếu gạo thành xuất khẩu gạo ngay," Thủ tướng nhận định.
Can thiệp hành chính vào doanh nghiệp Nhà nước làm méo mó thị trường
Đối với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Quốc hội, Thủ tướng cho rằng mô hình quản lý thì có nhiều, mỗi giai đoạn có yếu tố lịch sử và nhìn chung hoàn thành yêu cầu đặt ra trong bối ảnh, giai đoạn đó.
Tuy nhiên, mô hình hiện tại chưa ổn định và điều này cũng hiểu được do đất nước đang trong quá trình phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi và quy mô còn nhỏ. Do đó, trong quá trình làm, nghiên cứu mở rộng dần với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, cái gì được thì giữ, cái gì không được thì loại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ 8. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN |
“Tôi suy nghĩ rằng hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cung cầu và quy luật cạnh tranh. Không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính được vì sẽ làm méo mó thị trường, trái với quy luật, tư duy và sự phát triển kinh tế. Theo tôi, phải tuân thủ quản lý các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, phù hợp điều kiện đặc thù của Việt Nam,” Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng kế hoạch kinh doanh giao cho Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm quyết định về các quyết định của mình, miễn sao bảo toàn và phát triển vốn, không để thất thoát, tham nhũng, tiêu cực. Nếu ngay mô hình đã đặt tên “quản lý” thì sẽ nặng về quản lý, dẫn đến “không quản được thì cấm”.
Về vấn đề phân cấp, phân quyền, Thủ tướng cho rằng vốn của doanh nghiệp, đầu tư vào đâu do hội đồng quản trị quyết định và chịu trách nhiệm, không cần thiết phải đi xin thêm một cấp hành chính nữa.
Dẫn quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí, trong đó có lãng phí thời gian, Thủ tướng cũng đặt vấn đề: "Thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi?". Ông đề nghị phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và quy định rõ trong luật để doanh nghiệp biết được làm những gì, cho họ có không gian sáng tạo.
Thủ tướng cho rằng không nhất thiết cái gì cũng phải đấu thầu, song họ làm vẫn đúng, vẫn hiệu quả. “Chúng ta cái gì cũng đấu thầu, nhưng cuối cùng đều quân xanh, quân đỏ và kỷ luật liên tục. Làm sao phải rút ra quy luật. Kinh doanh không phải ngày một, ngày hai nên phải đánh giá tổng thể. Tổng vẫn dương mà xử lý họ là chưa phù hợp tình hình, quy luật. Tại sao tư nhân không đấu thầu, cứ có năng lực là làm được, không phải xin xỏ,” Thủ tướng Chính phủ nói.
'Cứ giữ cái vòng an toàn của mình thì không gian sáng tạo sẽ bị hạn chế'
Quang cảnh phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại tổ 8. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN |
Đề cập đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (quy định phạm vi giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi hội tụ công nghệ số…) trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng:
“Thử nghiệm có kiểm soát để cảm thấy an toàn, nhưng mình cứ giữ cái vòng an toàn của mình thì không gian sáng tạo sẽ bị hạn chế. Theo tôi, thử nghiệm có kiểm soát về thời gian là quan trọng và có vẻ hiệu quả hơn là kiểm soát về phạm vi đối tượng. Chúng ta cần phải mở phạm vi giới hạn về đối tượng. Chúng ta kiểm soát cái gì thì cần các chuyên gia, các nhà khoa học tính toán thêm”.
Thủ tướng cho biết chúng ta chưa thể dự đoán được hết về trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Internet vạn vật,… vì chúng đang biến đổi mỗi ngày. Ngay trong năm 2025 tới, có nhiều nước sẽ đăng cai tổ chức các sự kiện thảo luận về trí tuệ nhân tạo và kiểm soát trí tuệ nhân tạo.
Thủ tướng nhìn nhận rằng thách thức lớn nhất của Việt Nam về phát triển công nghệ số hiện nay là nguồn nhân lực. Theo ông, cần phải có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, bắt kịp lợi thế hiện nay là dân số đất nước trẻ và tư duy tốt.
Nhấn mạnh bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển ở tất cả mọi ngành, mọi lĩnh vực, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu của các Bộ, ngành, địa phương đó là cần phải hành động và có các chính sách để kích thích phát triển công nghệ số, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Quốc hội cho ý kiến với 3 dự án luật Ngày 23/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), nghị quyết về kết quả giám sát thị trường bất động sản và cho ý kiến với 3 dự án luật. |
Đề xuất luật hóa tài sản số để quản lý, ngăn chặn rủi ro Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng. |
Đảm bảo doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường Việc xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. |