Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 979.353 tấn cà phê với kim ngạch 3,6 tỷ USD, giảm 12,4% về lượng nhưng lại tăng tới 33,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước (YoY). Giá cà phê xuất khẩu cũng tăng từ 2.418 USD/tấn cùng kỳ năm trước lên 3.683 USD/tấn tại kỳ này, tương ứng tăng tới 52% YoY.
Nhìn lại bức tranh xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm, ngoại trừ tháng 1 ghi nhận tăng tới 139% về lượng xuất khẩu, các tháng còn lại đều tăng trưởng âm, có tháng giảm tới 50% YoY.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sản lượng cà phê vụ 2024 – 2025 của Việt Nam sẽ giảm 15 - 20% so với vụ hiện tại. Sản lượng thấp sẽ kéo theo hoạt động xuất khẩu đi xuống, đồng thời làm thiếu hụt nguồn cung trầm trọng hơn trên thị trường. Nhiều chuyên gia nhận định nguồn cung dần khan hiếm, hoạt động xuất khẩu sẽ giảm dần theo từng tháng. Lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể chỉ cải thiện từ cuối năm khi vụ mới được thu hoạch.
Các thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 hầu như đều tăng kim ngạch bất chấp việc lượng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, Đức là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với 121.500 tấn, đạt kim ngạch 427 triệu USD, giảm 11,6% về lượng nhưng lại tăng tới 42,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Italy là thị trường lớn thứ hai với 91.082 tấn, đạt 295 triệu USD, giảm 14,4% YoY về lượng và tăng 26% YoY về giá trị. Đứng sau là Tây Ban Nha với 71.734 tấn, đạt 273 triệu USD, tăng 17% về lượng và 80% về kim ngạch; Nhật Bản với 68.674 tấn, đạt 268 triệu USD, lần lượt giảm 1,8% YoY và tăng 40,4% YoY...
Trong 13 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Philippines có mức giá cà phê xuất khẩu trung bình cao nhất với 4.426 USD/tấn, đứng sau là Trung Quốc với 4.013 USD/tấn. Giá xuất khẩu cà phê sang Indonesia cũng đạt 3.993 USD/tấn, sang Nga đạt 3.915 USD/tấn, sang Nhật Bản đạt 3.908 USD/tấn...
Trong khối ASEAN, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang 8 thị trường thành viên. Trong đó, Indonesia là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 42.512 tấn, đạt 169 triệu USD, tăng 50% về lượng và 101% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Lượng xuất khẩu sang Philippines cũng đạt 38.406 tấn với kim ngạch 170 triệu USD, tăng lần lượt 63% YoY và 124% YoY. Đứng sau là Thái Lan với 28.032 tấn, đạt 106 triệu USD, tăng lần lượt 68% YoY và 82% YoY.
Ngoài ra Việt Nam còn thu về 94 triệu USD từ việc xuất khẩu 22.824 tấn cà phê sang Malaysia; xuất khẩu 1.518 tấn sang Myanmar với 7,1 triệu USD; 1.254 tấn sang Campuchia với 4,5 triệu USD; 908 tấn sang Singapore với 4,5 triệu USD và 83 tấn sang Lào với 0,4 triệu USD.
Đáng chú ý, giá xuất khẩu cà phê bình quân của Việt Nam sang các thị trường trong khối ASEAN có mức giá khá cao. Trong đó, giá bình quân xuất khẩu cà phê sang Lào đạt tới 5.301 USD/tấn, sang Singapore đạt 4.987 USD/tấn, sang Myanmar đạt 4.738 USD/tấn, sang Malaysia đạt 4.156 USD/tấn; sang Campuchia đạt 3.666 USD/tấn.
Liên quan đến nguồn cung cà phê trên thế giới, MXV dẫn thông tin từ Công ty tư vấn Safras&Mercado cho biết, doanh số bán cà phê của các nhà sản xuất Brazil đạt 40% tổng dự kiến cho niên vụ 2024 - 2025, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (41%) và dưới mức trung bình của 5 năm qua là 47%.
Vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025 của Brazil dự kiến chỉ đạt 63,3 triệu bao loại 60 kg, giảm so với 65,7 triệu bao ước tính trước đó. Nguyên nhân là do thời tiết khô hơn bình thường đã ảnh hưởng đến sản xuất của nước này, theo HedgePoint Global Markets (công ty tư vấn quản lý rủi ro).
Về nhu cầu thị trường, tính đến hết tháng 6, lượng cà phê lưu trữ tại các cảng châu Âu - thị trường tiêu thụ và nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới, ở mức 384.240 tấn, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước và mức tồn kho thấp nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2018 - 2024. Lượng cà phê dự trữ của Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu cà phê lớn thứ ba thế giới thấp hơn 12% so với mức trung bình 5 năm.