Giá trị thị trường trí tuệ nhân tạo có thể đạt hơn 1.300 tỷ USD năm 2032

AI. toàn cầu
08:20 - 10/06/2023
Giá trị thị trường trí tuệ nhân tạo có thể đạt hơn 1.300 tỷ USD năm 2032
0:00 / 0:00
0:00
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang nổi lên là công nghệ có khả năng cách mạng hóa hầu hết các lĩnh vực. Chính vì vậy, giới chuyên gia dự đoán, trong những năm tới, thị trường AI tổng quát sẽ tiếp tục thu về nguồn doanh thu khổng lồ.

Ngày 9/6, Tech in Asia dẫn báo cáo mới nhất từ Bloomberg Intelligence cho biết, quy mô thị trường toàn cầu của AI tổng quát có thể tăng từ mức 40 tỷ USD năm 2022 lên 1.304 tỷ USD vào năm 2032.

Doanh thu thị trường AI tổng quát có thể đạt hơn 1.300 tỷ USD vào năm 2032.

Doanh thu thị trường AI tổng quát có thể đạt hơn 1.300 tỷ USD vào năm 2032.

Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến đạt 42% vào năm 2032, được thúc đẩy bởi cơ sở hạ tầng đào tạo trong thời gian ngắn và xu hướng sử dụng các thiết bị ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), quảng cáo kỹ thuật số, phần mềm và dịch vụ chuyên dụng trong trung và dài hạn.

Hơn nữa, nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm AI tổng quát có thể tạo ra nguồn doanh thu 280 tỷ USD trong lĩnh vực phần mềm, nhờ các trợ lý chuyên biệt, sản phẩm cơ sở hạ tầng mới và các công cụ giúp tăng tốc mã hoá.

Về phần cứng, tác động của AI tổng quát có thể tăng từ 1% trên thị trường phần cứng công nghệ thông tin, dịch vụ phần mềm, chi tiêu quảng cáo và thị trường trò chơi hiện tại lên mức 10% vào năm 2032.

Doanh thu phần cứng dự kiến được thúc đẩy bởi các máy chủ AI là 132 tỷ USD, bộ lưu trữ AI là 93 tỷ USD, các sản phẩm AI thị giác máy tính là 61 tỷ USD và các thiết bị AI đàm thoại khoảng 108 tỷ USD.

Chuyên gia Mandeep Singh, tác giả chính của báo cáo Bloomberg Intelligence cho biết: "Trí tuệ nhân tạo tổng quát sẽ trở thành một phần thiết yếu trong hoạt động chi tiêu công nghệ thông tin, quảng cáo và an ninh mạng khi công nghệ này phát triển bùng nổ".

Khi các công cụ AI ngày càng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận, công nghệ này được kỳ vọng sẽ mở rộng sang các ngành và đáp ứng đa dạng nhu cầu hơn.

Theo ông Singh, không chỉ các công ty chuyên về AI mà các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực khác như chất bán dẫn, phần cứng, phần mềm điện toán đám mây, dịch vụ công nghệ thông tin và quảng cáo cũng có thể hưởng lợi nhờ sự phát triển nhanh chóng của AI tổng quát.

Thời gian qua, những công cụ AI như ChatGPT đã tạo ra bước đột phá mới trong làn sóng đầu tư vào công nghệ, song giới chuyên gia công nghệ cũng lưu ý, AI đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và thách thức với những lo ngại về mức độ tin cậy liên quan đến dữ liệu, thuật toán và ứng dụng. Điều này đặc biệt đúng sau hàng loạt sự cố trên các công cụ chatbot AI như ChatGPT khi cung cấp thông tin mang tính phân biệt đối xử, thao túng hoặc thông tin bất hợp pháp.

Mới đây, cảnh sát tỉnh Gansu (Trung Quốc) đã bắt giữ một người đàn ông họ Hong sử dụng ChatGPT để viết bài báo giả mạo về một vụ tai nạn tàu hoả nghiêm trọng trong một bài đăng trên mạng xã hội Baijiahao ngày 25/4. Ngay sau đó, tin giả này đã thu hút được hơn 15.000 lượt xem và đã có 20 tài khoản lan truyền.

Một số nhân vật hàng đầu trong ngành công nghệ như tỷ phú Elon Musk đã đưa ra cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn của công nghệ. "Nếu không được kiểm soát, các hệ thống AI có thể hủy diệt nền văn minh", ông Musk nhấn mạnh.

Vì vậy, để tối ưu hóa những lợi ích của AI, điều quan trọng là phải khiến công chúng tin tưởng rằng công nghệ này đang được phát triển và sử dụng một cách có trách nhiệm. Để đạt được điều này, các hệ thống AI phải được thiết kế và phát triển minh bạch dựa trên khung pháp lý để đảm bảo không đi ngược lại các chuẩn mực xã hội.

Tin liên quan

Đọc tiếp