Giá xăng giảm sâu hơn 1.300 đồng/lít. Ảnh: Quách Sơn. |
Do kỳ điều chỉnh ngày 1/5 trùng thời gian nghỉ lễ, do đó, theo quy định tại Nghị định 95, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu sẽ được lùi vào ngày làm việc tiếp theo, tức ngày 4/5.
Theo đó, cơ quan điều hành quyết định giảm 1.251 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi đó xăng RON 95 giảm sâu tới 1.319 đồng/lít. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.437 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.320 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh giảm trong đợt điều hành này. Cụ thể, giá dầu diesel giảm 1.143 đồng còn 18.254 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 952 đồng còn 18.528 đồng/lít. Riêng dầu mazut có mức giảm ít nhất,giảm 334 đồng xuống còn 15.509 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời trích lập Quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít với các loại xăng E5 và RON95, trích lập 300 đồng/lít với các mặt hàng dầu.
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 21/4, Petrolimex dương 2.633 tỷ đồng, PVOil âm 266 tỷ đồng, Saigon Petro dương 315 tỷ đồng, Petimex dương 417 tỷ đồng...
Như vậy, giá xăng trong nước đã giảm mạnh lần thứ hai liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 7 lần tăng, 5 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Liên quan đến vấn đề nguồn cung, ngày 28/4 vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã chủ trì cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Theo đó, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong những tháng tiếp theo.
Trước hết, Bộ trưởng yêu cầu Vụ thị trường trong nước theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; trong trường hợp cần thiết, kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ xem xét giao bổ sung hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho một số thương nhân đầu mối có năng lực để chủ động thực hiện, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống.
Đồng thời, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Dầu khí và Than theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và tình hình sản xuất trong nước, phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung.
Bộ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối cần có sự trao đổi thống nhất, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.