Giải phóng tiềm năng điện gió ngoài khơi bằng Quy hoạch không gian biển

QUY HOẠCH biển
16:44 - 20/04/2023
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken phát biểu tại hội thảo chiều 20/4. Ảnh: Phương Thảo.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken phát biểu tại hội thảo chiều 20/4. Ảnh: Phương Thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 20/4, hội thảo “Điện gió ngoài khơi và Quy hoạch không gian biển Việt Nam” do Đại sứ quán Na Uy và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đồng tổ chức, trong đó đại diện Chính phủ Na Uy khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nội dung này.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken cho biết, Việt Nam – Na Uy có những nét tương đồng về đại dương và không gian biển. Quy hoạch không gian biển là công cụ đắc lực để đưa ra các quyết định sống hòa hợp với đại dương. Đây cũng là phương thức để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển điện gió ngoài khơi, đạt các mục tiêu thu nhập trung bình cao và giảm phát thải ròng về 0.

“Na Uy sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên lộ trình sắp tới, xây dựng khung pháp lý và thí điểm mô hình quy hoạch không gian biển ở các địa phương. Na Uy là một trong các quốc gia đầu tư quy hoạch không gian biển. Các khu biển của Na Uy đang được quản lý thuộc nhóm tốt nhất thế giới. Điều đó giúp chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam”, bà Hilde Solbakken nhấn mạnh.

Hội thảo lần này còn đề cao vai trò quan trọng của Quy hoạch không gian biển giúp xác định các khu vực phù hợp cho các dự án năng lượng gió ngoài khơi, bằng cách thúc đẩy các công nghệ đổi mới, ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.

Theo TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội, việc phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam, trong đó điện gió ngoài khơi được coi là một trong những giải pháp đột phá để chuyển đổi năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ảnh: Phương Thảo.

Ảnh: Phương Thảo.

"Nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia hướng tới mục tiêu bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế -xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển của Việt Nam”.

TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội

Điều này liên quan chặt chẽ đến quy hoạch không gian biển, đặc biệt là xác định các vùng biển tiềm năng và phân vùng hợp lý để phát triển điện gió ngoài khơi. Việt Nam là quốc gia có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn, nhất là khu vực Nam Trung Bộ với các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa... Do đó, ông Thi cho rằng, cần tập trung nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch không gian biển gắn với triển khai chiến lược biển của Việt Nam.

Đây cũng là điều mà bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh tại hội thảo.

Theo bà Ramla Khalidi, đẩy nhanh Quy hoạch không gian biển là điều cần thiết đối với Việt Nam để mở ra tiềm năng to lớn về phát triển điện gió ngoài khơi, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững và các mục tiêu về biến đổi khí hậu đã công bố tại COP26.

"Quy hoạch không gian biển nên được coi là một quá trình liên tục. Điều quan trọng là phải đảm bảo quy trình xây dựng và ban hành Quy hoạch không gian biển cũng như xác định các khu vực phát triển điện gió xa bờ được thực hiện một cách công khai, có tham khảo ý kiến của mọi đối tượng trong xã hội”.

Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam Ramla Khalidi

Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cũng nhấn mạnh thêm, sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương đóng vai trò rất quan trọng, để đảm bảo lợi ích được chia sẻ một cách công bằng và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương.

Báo cáo “Kinh tế biển xanh – Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” do UNDP và Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố tháng 5/2022 đã xem xét tiềm năng phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam.

Theo kết luận của báo cáo, nếu áp dụng kịch bản xanh lam, ước tính các ngành kinh tế biển của Việt Nam sẽ chiếm 34% GDP (khoảng 23,5 tỷ USD) vào năm 2030, trong khi GNI bình quân đầu người của người lao động trong các ngành này sẽ tăng tới 77,9 % (~7.100 USD) so với kịch bản thông thường.

Tin liên quan

Đọc tiếp