Người đứng đầu IAEA Rafael Grossi. Ảnh: TASS |
Reuters trích dẫn truyền hình nhà nước Nga cho biết ông Grossi đã đến thị trấn Kurchatov tại vùng Kursk – nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Kursk và thảo luận với các lãnh đạo của nhà máy cũng như các quan chức hạt nhân của Nga về tình hình tại đây. Địa điểm này được đặt tên theo nhà vật lý huyền thoại người Nga Igor Kurchatov và cách nơi giao tranh giữa quân đội Nga và quân đội Ukraine chỉ 40 km.
Trước chuyến đi này, ông Grossi từng cho biết cách duy nhất để đánh giá an ninh của nhà máy và xác thực thông tin xem liệu nơi này có thực sự bị tấn công hay không là đến thăm tận nơi và nói chuyện với ban quản lý. Ông cho biết: "Sự an toàn và tình hình an ninh của tất cả các cơ sở hạt nhân, trong mọi trường hợp, đều không được phép bị đe dọa. Đây là mối quan tâm cốt lõi và cơ bản đối với IAEA".
Ông cũng từng bày tỏ thái độ quan ngại về bất kỳ hoạt động giao tranh nào gần nhà máy điện hạt nhân Kursk. Ông Grossi cho biết các lò phản ứng tại nhà máy Kursk “không có mái vòm bảo vệ xung quanh và chỉ có mái che thông thường”, do đó sự hiện diện của quân đội trong phạm vi pháo binh có thể bắn tới là “mối lo ngại rất lớn đối với tôi và IAEA”.
Chuyến đi này của người đứng đầu IAEA diễn ra trong bối cảnh lực lượng Ukraine phát động một cuộc đột kích bất ngờ vào tỉnh biên giới Kursk của Nga, giáp với tỉnh Sumy ở đông bắc Ukraine, từ hôm 6/8. Đây là cuộc tấn công biên giới lớn nhất nhằm vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II.
Quân đội Ukraine cho biết mục tiêu của chiến dịch đột kích biên giới là giành kiểm soát một số khu vực lãnh thổ của Nga, nhằm làm điều kiện trao đổi trong các cuộc đàm phán hòa bình có thể xảy ra với Moscow, cũng như để giảm bớt áp lực trên mặt trận Donbass.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã mô tả cuộc tấn công là sử dụng “vũ lực chính đáng” để đạt được “hòa bình chính đáng” và là cách “đưa chiến tranh trở lại Nga”. Ông Mikhail Podoliak - trợ lý Tổng thống Ukraine, cho biết mục tiêu của cuộc tấn công là nhằm gây bất ổn cho người Nga để họ quay lưng lại với chính phủ của họ.
Các quan chức Ukraine cũng cho biết họ đang nhắm đến việc thiết lập một "vùng đệm" trên lãnh thổ Nga. Nga đã phản ứng bằng cách sơ tán dân thường khỏi các khu vực bị ảnh hưởng và triển khai thêm lực lượng tại đó, đồng thời tấn công các mục tiêu ở vùng Sumy của Ukraine - nơi đang được sử dụng làm căn cứ.
Tới ngày 22/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine cố gắng tấn công nhà máy Kursk, nơi có 4 lò phản ứng RBMK-1000 cùng thiết kế với những lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân dân sự tồi tệ nhất thế giới vào năm 1986.
Trong số 4 lò phản ứng thời Liên Xô tại nhà máy điện hạt nhân Kursk, 2 lò đã ngừng hoạt động trong khi lò số 3 và số 4 vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên, lò phản ứng số 4 đã bị ngắt kết nối khỏi lưới điện vào ngày 25/8 để sửa chữa hệ thống làm mát trong 59 ngày.