Giảm phát thải carbon trong sản xuất công nghiệp tại Hải Phòng

hải phòng Công nghiệp
16:42 - 17/01/2024
Toàn cảnh Hội Thảo.
Toàn cảnh Hội Thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 17/01, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đạt mục tiêu Net-Zero: Hoa Kỳ - Việt Nam, Giảm phát thải carbon trong sản xuất công nghiệp tại thành phố Hải Phòng”.

Đây là hoạt động nhằm tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác, trao đổi nghiên cứu với các cơ quan thuộc Chính phủ Hoa Kỳ về các lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh như công nghệ cao, sản xuất chíp, công nghệ bán dẫn, giảm phát thải carbon....

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Marc E. Knapper cùng Tham tán Thương mại, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID V-LEEP II) và các thành viên thuộc Thương vụ Hoa Kỳ và Văn phòng Năng lượng.

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, hiện TP Hải Phòng đang tập trung nguồn lực, tăng cường các công tác chuyển đổi xanh, giảm phát thải CO2 trong các khu công nghiệp, tiến tới xây dựng và phát triển mở rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái trên địa bàn thành phố.

Hiện Hải Phòng có 14 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, các KCN này được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với diện tích 6.080 ha đã tạo ra quỹ đất sản xuất công nghiệp hơn 4.000 ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 60,5%. Tính đến thời điểm này, Hải Phòng đã có 2 KCN sinh thái là Tổ hợp KCN DEEP C và KCN Nam Cầu Kiền.

“Đây là sự khởi đầu của thập kỷ hành động để thay đổi nhận thức của tất cả mọi người nhằm bảo tồn tương lai của thành phố Hải Phòng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người. Hội thảo sẽ góp phần đẩy nhanh các công tác xây dựng hệ thống khu công nghiệp sinh thái tại Hải Phòng, gắn liền các hoạt động công nghiệp với môi trường và phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…”, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh.

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHải Phòng (người ngồi giữa).

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHải Phòng (người ngồi giữa).

Các diễn giả từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã chia sẻ những giải pháp tối ưu hoá sử dụng năng lượng trong các khu công nghiệp; tối ưu hoá hiệu quả năng lượng thông qua quy hoạch, thiết kế, triển khai lưu trữ năng lượng, cơ sở hạ tầng, liên kết; phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam gắn với sử dụng năng lượng sạch trong việc giảm phát thải carbon từ sản xuất công nghiệp; tiết kiệm năng lượng và tận dụng tín chỉ carbon hướng đến ngành sản xuất công nghiệp bền vững...

Về phía doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN tại Hải Phòng, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Shinec - Chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền cho biết, doanh nghiệp đã có lộ trình giảm phát thải carbon tại KCN đến năm 2030.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Shinec - Chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền (bên trái).

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Shinec - Chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền (bên trái).

Theo chia sẻ của ông Phạm Hồng Điệp, trong năm 2024, bệnh cạnh việc KCN đã đạt tỉ lệ diện tích cây xanh là 31%, xây dựng được các chuỗi cộng sinh công nghiệp thì sẽ lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp, đạt zero về chất thải, kiểm kê phát thải KCN…

Đến năm 2025, sẽ tham gia thí điểm thị trường carbon, đạt mục tiêu giảm 50% tổng lượng phát thải và triển khai chính thức tuần hoàn nước thải. Lộ trình đến năm 2030 sẽ số hoá dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi xanh, sử dụng công nghệ IoT hỗ trợ kiểm kê khí nhà kính và quan trọng là đạt mục tiêu net zero phát thải.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Shinec chia sẻ tại Hội thảo.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Shinec chia sẻ tại Hội thảo.

Hội thảo thuộc phạm vi Quỹ dự án chiến lược công nghệ sạch (CTSPF), là kết quả của những trao đổi tích cực, cụ thể, có chiều sâu của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng với Thương vụ Hoa Kỳ tại Việt Nam thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam về kết nối các hoạt động thương mại song phương trong lĩnh vực năng lượng giữa hai quốc gia cũng như các vấn đề về giảm phát thải carbon về “0” và đối phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2021, tại Hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, các nước trên thế giới đã cùng nhau đánh giá lại những cam kết tự nguyện giảm khí thải và cùng nhau đưa ra giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Thông qua hội nghị, Việt Nam cùng 147 quốc gia tuyên bố sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Để hướng tới lộ trình phát thải ròng bằng “0”, năng lượng là một trong những yếu tố quan trọng được ưu tiên quan tâm và phát triển.

Từ ngày 30/11/2023 đến ngày 12/12/2023, Hội nghị COP28 diễn ra tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Việt Nam một lần nữa cho thế giới thấy sự quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành và người dân trong việc thực hiện cam kết của mình tại COP26, thể hiện trách nhiệm, tính tích cực, chủ động trong việc chống biến đổi khí hậu, góp phần phát triển xanh, phát triển bền vững.

Việt Nam khẳng định, chuyển đổi năng lượng là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tin liên quan

Đọc tiếp