Chiều 17/7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có cuộc làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, tình hình triển khai Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội, Đề án tổ chức chính quyền đô thị và các đề án sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố...
Đề xuất thành lập khu thương mại tự do
Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục ổn định và phát triển, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ và bình quân chung cả nước.
Hải Phòng tiếp tục mở rộng hạ tầng khu, cụm công nghiệp; phát triển giao thông; đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị; xây dựng nông thôn mới; tiếp tục chú trọng đầu tư nhiều dự án công trình trọng điểm, kết nối liên tỉnh, liên vùng như các dự án cầu vượt sông kết nối với Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương...
Về thực hiện Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, HĐND thành phố đã ban hành 12 nghị quyết và UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành 4 quyết định, kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng báo cáo tại cuộc làm việc. |
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, việc triển khai Nghị quyết sau gần 3 năm đã đạt những kết quả tích cực, tạo sự chủ động cho Hải Phòng trong việc giải quyết một số thủ tục hồ sơ hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng; chính sách tăng thêm thu nhập được đảm bảo công khai, minh bạch... từ đó tạo động lực và cơ chế huy động nguồn lực phát triển thành phố.
Đặc biệt, cơ chế, chính sách về quản lý quy hoạch đã phân cấp, tạo sự chủ động cho thành phố rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh, thúc đẩy sớm việc thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm có tính chất dẫn dắt, lan tỏa các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.
Khoảng 1.400 ha đất công nghiệp thuộc 3 khu công nghiệp đã được đưa vào khai thác, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho khoảng 50.000 công nhân lao động, bao gồm lao động trực tiếp trong khu công nghiệp và lao động gián tiếp trong các lĩnh vực vận tải, dịch vụ cho thuê nhà trọ, phục vụ ăn uống.
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung việc sơ kết Nghị quyết số 35 vào nội dung Kỳ họp thứ 8 tới; bổ sung việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho thành phố Hải Phòng (trong đó có việc thành lập Khu thương mại tự do) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội.
Việt Nam có nhiều nơi thuận lợi để mở khu thương mại tự do Theo đại biểu Quốc hội, khi thực hiện thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng thành công có thể nhân rộng ngay vì có rất nhiều địa phương có vị trí thuận lợi tương tự. |
Ba trụ cột phát triển của Hải Phòng
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Hải Phòng luôn đứng trong top đầu, là một trong những địa phương có môi trường hấp dẫn nhất đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố ước đạt 10,32%, cao gần gấp đôi cả nước, đứng thứ 5 so với cả nước, đứng đầu trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Một kết quả nổi bật nữa được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh là Hải Phòng đã triển khai nhiều dự án trọng điểm, kết nối liên tỉnh, liên vùng như dự án cầu vượt sông kết nối với Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương; các dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi... Hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế được tập trung xây dựng; các khu công nghiệp đã cơ bản lấp đầy. Thành phố đã chủ động, kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam theo định hướng phát triển công nghiệp sinh thái (quy mô 22.000 ha).
Thành phố cũng đã khởi công nhiều dự án về nhà ở xã hội. Theo Chủ tịch Quốc hội, trong khi nhiều địa phương khác gặp khó khăn, chưa triển khai được thì Hải Phòng đã làm rất tốt chính sách quan trọng này, giúp người dân, nhất là công nhân, người thu nhập thấp an cư lạc nghiệp. Thành phố còn ban hành riêng một nghị quyết về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đến năm 2030.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận cuộc làm việc. |
Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hải Phòng tích cực triển khai thực hiện Quy hoạch thành phố với 3 trụ cột phát triển: Dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại; trung tâm du lịch biển quốc tế; thúc đẩy liên kết vùng tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền, có thể là địa phương đi đầu thực hiện các luật liên quan đến đất đai có hiệu lực sớm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn trong những tháng cuối năm.
Triển khai tích cực, hiệu quả Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, trước hết là chính sách tăng lương có hiệu lực từ ngày 1/7/2024; chính sách giảm thuế VAT 2% cho doanh nghiệp...
Về các kiến nghị, đề xuất của thành phố, Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổng hợp, gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho địa phương.
Hải Phòng: Hơn 800 căn nhà ở xã hội đủ điều kiện mở bán |
Hải Phòng thí điểm tuyến phố văn hóa, ẩm thực tại quận Ngô Quyền |
Những địa phương tăng trưởng GRDP 2 chữ số nửa đầu năm 2024 |