Một góc Cảng Sài Gòn. Ảnh: Sài Gòn Port |
Cụ thể, vào ngày 1/8, CTCP Thương mại Dịch vụ Hòa Hải đã bán toàn bộ 21,27 triệu cổ phần đang sở hữu, tương đương 9,83% vốn điều lệ của Cảng Sài Gòn. Ở chiều ngược lại, Công ty Phát triển dịch vụ Thương mại Toàn Thắng là bên mua vào 21,27 triệu cổ phiếu SPG, qua đó trở thành cổ đông lớn mới của Sài Gòn Port. Giá trị giao dịch rơi vào khoảng 325 tỷ đồng.
Sau giao dịch, Toàn Thắng đề cử bà Đỗ Thị Minh tiếp tục tham gia Hội đồng quản trị của Cảng Sài Gòn. Bà Minh trước kia cũng chính là đại diện của Hòa Hải tại HĐQT Sài Gòn Port.
Toàn Thắng có trụ trở chính tại số 3 phố Đặng Thái Thân, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, được thành lập năm 2018 với 330 tỷ đồng vốn điều lệ, chia cho 2 pháp nhân là Công ty TNHH Thương mại Ô tô Thành Công (26,136%) và Công ty TNHH Dịch vụ và Kinh doanh Bất động sản Long Biên (73,864%).
Cơ cấu sở hữu của Toàn Thắng chứng kiến nhiều thay đổi sau gần 5 năm hoạt động. Tính đến ngày 16/12/2022, công ty có 4 cổ đông góp vốn là CTCP Phát triển Sản xuất Cường Thịnh (64,168%), Công ty TNHH Thương mại Ô tô Thành Công (26,136%), CTCP Intimex Việt Nam (4,848%) và Công ty TNHH Dịch vụ và Kinh doanh bất động sản Long Biên (4,848%).
Đại diện theo pháp luật hiện tại của CTCP Phát triển Sản xuất Cường Thịnh là bà Vũ Thị Hạnh (SN 1977), người từng có thời gian dài công tác tại Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoàn Kiếm - chủ Công trình Khách sạn Hoàn Kiếm tại Số 25 Trần Hưng Đạo, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm.
Ở chiều ngược lại, pháp nhân chuyển nhượng số cổ phần nói trên cho Toàn Thắng, CTCP Thương mại Dịch vụ Hòa Hải, tiền thân là CTCP Bất động sản nghỉ dưỡng Quảng Nam, được thành lập năm 2017 với vốn điều lệ 990 tỷ đồng, bao gồm CTCP Dịch vụ và Kinh doanh Bất động sản Hà Nội (90%), bà Vũ Thị Hạnh đã nói ở trên (4%) và ông Trần Anh Tuấn (6%).
Trong số các cổ đông sáng lập của Hòa Hải, ông Trần Anh Tuấn là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật tại thời điểm thành lập.
Cổ đông lớn nhất là Bất động sản Hà Nội có Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Đặng Thị Hà Nguyên. Sinh năm 1978, bà Nguyên từng có thời gian giữ chức Thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán ASEAN.
Cảng Sài Gòn được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn theo quyết định ngày 1/6/2015 của HĐTV Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam - Công ty TNHH MTV (Vinalines).
Đến ngày 30/6/2015, SGP tổ chức thành công phiên đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO), tỷ lệ sở hữu của Vinalines giảm từ 100% xuống còn 65,45% vốn điều lệ. Công ty sau đó cũng xuất hiện 3 cổ đông lớn mới là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank - 9,07%), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - 7,44%) và Công ty TNHH MOTOR N.A Việt Nam (13,07%).
Cơ cấu sở hữu của Cảng Sài Gòn không có nhiều biến động trong các năm vừa qua, ngoại trừ vị trí của MOTOR N.A Việt Nam.
Vào đầu năm 2017, công ty này đã bán ra 7 triệu cổ phiếu SPG, hạ sở hữu xuống còn 21,27 triệu cổ phần. Đến tháng 12/2017, MOTOR N.A Việt Nam tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ số cổ phiếu trên cho CTCP Bất động sản Nghỉ dưỡng Quảng Nam - tiền thân của CTCP Thương mại Dịch vụ Hòa Hải.
MOTOR N.A Việt Nam là một pháp nhân thành lập năm 2005. Tính đến ngày 14/7/2014, công ty này sở hữu 13,45 triệu cổ phần của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) với giá trị 169 tỷ đồng.