Đại hội đồng cổ đông 2023 tại Gilimex. |
Kế hoạch lợi nhuận năm 2023 giảm 77,4%
Ngày 28/4, CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã: GIL) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023. Đáng chú ý, tại đại hội vắng mặt ông Lê Hùng - Chủ tịch HĐQT Gilimex, thay vào đó ông Nguyễn Việt Cường - Thành viên HĐQT được ủy quyền làm chủ tọa đại hội.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, do ông Lê Hùng đang tham gia cuộc họp về sự việc Amazon do đó ông sẽ thay mặt điều hành đại hội.
Về kế hoạch kinh doanh tại Gilimex, công ty đã trình cổ đông kế hoạch doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 103,5 tỷ đồng.
Về kế hoạch đầu tư, trong năm 2023, công ty dự kiến dùng 800 đến 1.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; và vay ngân hàng 1.500 tỷ đồng để tài trợ vốn hoạt động.
Đối với dự án Khu công nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế với quy mô 460,85 ha (tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng), tính tới cuối năm 2022, dự án đã đền bù và bàn giao mặt bằng đạt 88,5% và dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng hạ tầng vào đầu quý 2/2023.
Mục tiêu năm 2023, dự án sẽ hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong quý 2/2023; hoàn thành công tác thi công xây dựng, đưa phân khu A đi vào vận hành vào quý 4/2023; và hoàn thành 100% công tác thi công xây dựng đối với phân kỳ 1 - phân kỳ B và đưa vào vận hành trong quý 4/2023.
Về dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long (quy mô 400ha). Công ty cho biết dự kiến sẽ thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ quý 3/2023.
Ngoài ra, Gilimex cũng thông qua trả cổ tức năm 2022 tỷ lệ 15% bằng tiền mặt, tương đương khoảng tổng 105 tỷ đồng (kế hoạch đầu năm cổ tức từ 15% đến 30%). Bước sang năm 2023, Gilimex dự kiến cổ tức từ 5% đến 10%.
Giải quyết dứt điểm vụ kiện với Amazon trong năm nay
Liên quan đến vụ khởi kiện của Gilimex đối với Amazon, ông Nguyễn Việt Cường cho biết, hiện Gilimex đã qua được bước quan trọng nhất trong quá trình khởi kiện là thụ lý, tức vụ kiện này là có cơ sở. Mục tiêu của HĐQT và ban điều hành là giải quyết dứt điểm sự vụ này trong năm 2023.
Ông Cường giải thích, việc tố tụng với phía Mỹ phải theo các quy trình gồm nộp đơn lên toà án, gần như đây là lúc quyết định tòa có xử vụ này hay không. Theo cập nhật thông tin từ các bên thì hiện tại tòa án đã thụ lý hồ sơ, đây là một bước rất quan trọng.
"Khi thụ lý hồ sơ rồi sẽ đến các bước tố tụng tiếp theo, bao gồm việc tòa án yêu cầu các bên trình bằng chứng, hiện Gilimex đã làm bước này và Amazon họ cũng nộp bằng chứng để bảo vệ ý kiến của họ", ông Cường giải thích.
Các bước tiếp theo sẽ là xem xét bằng chứng, một đội của tòa sẽ xem xét bằng chứng của hai bên và luật sư các bên sẽ tự xem xét bằng chứng của bên kia. Xong bước này, các luật sư và tòa án ngồi lại với nhau để xem bằng chứng các bên đưa ra, sau đó dựa vào các điều luật để xem bên nào có lý và bên nào không.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc hiện tạiAmazon còn đóng góp bao nhiêu doanh thu của công ty cùng kế hoạch tìm khách hàng thay thế diễn ra như thế nào?
Ông Cường cho biết, khách hàng Amazon đã bổ sung mức doanh thu tầm 15%-20% so với giai đoạn trước, phần sản xuất tạm ổn. Doanh thu sản xuất đạt khoảng 45 triệu USD (khách hàng mới 12 triệu USD).
Đối với việc tìm kiếm khách hàng mới, hiện tại đây cũng là khởi đầu, công ty đang tiếp tục cố gắng lấp các khoảng trống sản xuất bằng những khách hàng mới trong những năm tiếp theo.
Việc phát triển một khách hàng đòi hỏi từ 1 - 3 năm, bắt đầu là những đơn hàng “trial” (thử) sau đó mới tăng dần, riêng khách hàng chúng ta vừa có được thì đơn hàng “trial” đã lên tới 12 triệu USD, đơn hàng “trial” của Amazon năm đầu tiên chỉ có 400.000 USD, sau đó lên 100 triệu USD.
Về vấn đề hàng tồn kho, ghi nhận trên BCTC năm 2022 là hơn 1,200 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2022), ông Cường cho biết trong đó có khoảng 800 tỷ đồng liên quan đến Amazon, hầu như 90% là hàng thành phẩm, các nguyên vật liệu đi kèm khoảng 5 - 10% đặc biệt chỉ sử dụng cho Amazon. Mục tiêu giải phóng hàng tồn kho này cũng như vụ kiện Amazon đặt hết vào năm 2023.
Trước đó, vào cuối năm 2022, Amazon phải đối mặt với vụ kiện 280 triệu USD từ Gilimex với cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng sau khi tăng trưởng chi tiêu trực tuyến hạ nhiệt trong năm nay, khiến Gilimex phải gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
Gilimex là đối tác chính của Amazon từ năm 2014 đến năm 2022 và đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất, để xây dựng các kho chứa bằng thép và vải dùng để sắp xếp hàng tồn kho trong kho của Amazon.