Nikkei Asia dẫn báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho thấy, người dùng Trung Quốc đã mua 294,6 tấn đồ trang sức, vàng thỏi, tiền xu và các loại kim loại quý khác trong quý 1/2024, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 37% nhu cầu tiêu thụ vàng trên toàn cầu.
Cuộc khảo sát của nhóm nghiên cứu Chow Tai Fook thực hiện cũng cho thấy 64% người tiêu dùng Gen Z (những người có năm sinh từ 1997-2012) tại Trung Quốc mua đồ trang sức bằng vàng như một món quà cho bản thân hoặc để sử dụng hàng ngày.
Tại một cửa hàng ở Jinzhan Jewelry Plaza, mặt hàng phổ biến nhất là những tấm thiệp vàng 1 gram khắc những cụm từ như "chúc mừng sinh nhật". Ngoài ra còn có những tấm vàng mỏng có hình ảnh các nhân vật nổi tiếng, mỗi tấm dài vài cm một cạnh. Cửa hàng cho biết người mua đặt chúng dưới lớp vỏ điện thoại thông minh trong suốt của họ.
Các thiết kế đang thay đổi từng ngày để thu hút những người tiêu dùng trẻ tuổi có thị hiếu thay đổi. Chẳng hạn, trào lưu mua “hạt đậu vàng” đang nổi lên gần đây ở giới trẻ nước này. Những hạt đậu này có trọng lượng 1 gram vàng nguyên chất, thường được cất giữ trong lọ thủy tinh.
"Hạt đậu" vàng thường có trọng lượng 1 gram vàng nguyên chất, thường được cất giữ trong lọ thủy tinh. Ảnh: Theo Bloomberg. |
Nikkei Asia dẫn lời Tina Hong, 18 tuổi, một tân sinh viên ngành khoa học máy tính ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, giải thích về quyết định tích trữ hạt đậu vàng của mình. "Về cơ bản, mua vàng không bao giờ lỗ", Hong giải thích. Tina Hong bắt đầu tích trữ hạt vàng từ tháng 1/2024, thời điểm mà giá vàng tại Trung Quốc còn thấp, giá tương đương khoảng 83 USD/gram.
Với trọng lượng chỉ 1 gram, hạt vàng được xem là loại hình đầu tư an toàn nhất đối với giới trẻ Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Đây là một phần trong xu hướng tích trữ vàng từ vàng miếng đến vàng trang sức nói chung ở nước này.
Đại diện của WGC tại Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu các sản phẩm vàng có trọng lượng nhẹ, được thiết kế giá tốt, dễ tiếp cận, đang ngày càng thu hút khách hàng”.
Đồng tình với quan điểm trên, một nhân viên bán hàng tại trung tâm Jinzhan Jewelry Plaza tại Shenzhen (Trung Quốc) chia sẻ với Nikkei Asia: "Sức hút của vàng vẫn lớn vì người mua nhìn thấy sự thay đổi rõ ràng về giá trị. Điều này kích thích niềm mong muốn sở hữu kim loại quý này như một tài sản tích trữ hơn là một kênh tiết kiệm đơn thuần".
Đối với các cửa hàng trang sức tại Trung Quốc, việc mua vàng của những người trẻ tuổi đã mang lại nguồn thu nhập lớn. Trong một cuộc khảo sát của Chow Tai Fook, khoảng 70% khách hàng trong độ tuổi 18-40 bày tỏ sự quan tâm đến việc mua vàng trang sức. Doanh số bán các sản phẩm về vàng của Chow Tai Fook trong năm 2023 đã tăng 20% với gần một nửa số giao dịch mua đến từ những người dưới 35 tuổi.
Tuy nhiên, không phải tất cả người trẻ tại Trung Quốc đều tham gia vào xu hướng này, theo Nikkei Asia. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đối với những người từ 16-24 tuổi vào tháng 6/2024 là 13,2%, cao gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung. Do đó, chỉ một tỷ lệ nhỏ Gen Z Trung Quốc - những người đang có thu nhập cao, tham gia vào “cơn sốt” vàng.