Theo The Verge , ông Sundar Pichai mô tả Bard là "dịch vụ hội thoại AI thử nghiệm", có khả năng trả lời các câu hỏi của người dùng và tham gia trò chuyện. Công cụ chatbot này đang được thử nghiệm trong một nhóm nhỏ nội bộ từ ngày 7/2/2023, trước khi phổ biến rộng rãi hơn cho công chúng trong vài tuần tới.
Bard được phát triển bởi mô hình ngôn ngữ LaMDA của công ty. Dịch vụ cũng khuyến khích người dùng đặt các câu hỏi thực tế, chẳng hạn như cách tổ chức tiệc cho trẻ em hay cách chuẩn bị món ăn từ các nguyên liệu có sẵn.
"Bard có thể sẽ là phương tiện cho sự sáng tạo, bệ phóng cho sự tò mò, giúp giải thích những khám phá mới từ kính viễn vọng không gian James Web cho một đứa trẻ 9 tuổi hoặc tìm hiểu về các tiền đạo bóng đá giỏi nhất hiện nay", ông Pichai chia sẻ.
Điểm đáng chú ý được ông Pichai nhấn mạnh là Bard sẽ thu thập thông tin từ web để cung cấp các câu trả lời mới, chất lượng cao, gợi ý Bard có thể trả lời về các sự kiện mới xảy ra, điều mà ChatGPT chưa làm được. Bên cạnh đó, hệ thống lọc dữ liệu của Google cũng sẽ đảm bảo độ chính xác của thông tin, đồng thời loại bỏ các nội dung độc hại.
Về phía Google từ lâu đã ứng dụng AI trong các sản phẩm và dịch vụ, nhưng vẫn luôn thận trọng trong việc ra mắt các công cụ liên quan đến AI tới công chúng, tránh hậu quả "chưa kiểm nghiệm kỹ càng". Điều này là hợp lý bởi thực tế các mô hình ngôn ngữ như LaMDA hay GPT-3.5 vẫn đang đối mặt với quan ngại có thể mang đến người dùng những ngôn từ gây kích động, thù hận hoặc thông tin không chính xác.
Tuy nhiên, ông Pichai cho biết, đối với Bard, Google sẽ kết hợp phản hồi bên ngoài với thử nghiệm nội bộ để bảo đảm câu trả lời của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn và có căn cứ.
The Verge cho rằng, thông báo có phần vội vàng và chưa đầy đủ của Google về Bard là dấu hiệu cho thấy ông lớn công nghệ này đứng ngồi không yên trước sức hút mạnh mẽ của ChatGPT khi nó chiếm sóng trên mọi nền tảng mạng xã hội.
Hàng loạt cuộc thảo luận sôi nổi về vai trò của chatbot AI đối với giáo dục, công việc và tương lai của tìm kiếm trên Internet - mối quan tâm đặc biệt của Google. Mặc dù công nghệ đứng sau không mang tính cách mạng, quyết định cung cấp miễn phí trên web đã giúp hàng triệu người dùng tiếp cận với hình thức tạo văn bản tự động mới lạ này. Nhờ đó mà ChatGPT tạo được tác động lớn.
Microsoft, công ty đã đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI, cũng đã tận dụng thời điểm này để tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing, cũng như các sản phẩm khác trong bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office nổi tiếng của mình.