Hà Nội dự kiến thí điểm một số mô hình, chính sách mới vượt trội

HÀ NỘI CHÍNH SÁCH
11:35 - 12/02/2023
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
0:00 / 0:00
0:00
Với mục tiêu trở thành động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, TP Hà Nội phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt 13.000 USD đến năm 2030; tăng lên 36.000 USD đến năm 2045.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW và Xúc tiến đầu tư vùng, sáng 12/2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ về mục tiêu phát triển của Thủ đô Hà Nội là trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc, là động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.

Với mục tiêu đó, TP Hà Nội phấn đấu phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà, tiêu biểu cho cả nước, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thủ đô đặt mục tiêu có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD. Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt khoảng 36.000 USD.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

Trong đó, định hướng phát triển hạ tầng dịch vụ thông minh văn minh, hiện đại có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic, phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa.

Xây dựng một số khu vực của Hà Nội trở thành trung tâm mua sắm, trao đổi hàng hóa, dịch vụ hàng đầu của cả nước và khu vực, áp dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) trong giao dịch và thanh toán.

Hà Nội phấn đấu phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Hà Nội phấn đấu phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Phát triển công nghiệp Thủ đô theo hướng công nghệ cao, hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2030 khoảng 20%.

Phát triển ngành nông nghiệp Hà Nội dẫn đầu cả nước với định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2030 đạt 80% (năm 2025 đạt 70%).

Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo làm cơ sở để đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo hàng đầu của cả nước. Khu vực hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các viện nghiên cứu, trường đại học.

Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP vào năm 2030 chiếm 40% (năm 2025 đạt 30%). Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu các cơ chế, chính sách đột phá trong xây dựng hạ tầng số, hạ tầng phục vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, Chương trình hành động của Hà Nội cũng đặt mục tiêu phát triển văn hoá Thủ đô ngang tầm với kinh tế, xã hội, xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực mới cho Thủ đô.

Phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển vùng

Theo ông Trần Sỹ Thanh, một trong những trọng trách lớn của Hà Nội là phát huy vai trò trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và cả nước với các lĩnh vực cần chú trọng phát triển: Công nghiệp chế tạo, chế biến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, tài chính, ngân hàng, du lịch và đô thị thông minh.

Theo đó, Thủ đô Hà Nội đặt mục tiêu trở thành cực tăng trưởng của Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh).

Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm.

Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái tạo động lực liên kết vùng.

Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái tạo động lực liên kết vùng.

Phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội có 3 - 5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1 - 2 huyện phát triển thành quận.

Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị và xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai),... Tỷ lệ đô thị hóa năm 2030 dự kiến đạt khoảng 75%.

Hà Nội dự kiến triển khai thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, có tính cạnh tranh quốc tế cao, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Tập trung đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội Vùng, liên Vùng, quốc tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam; Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Đồng thời, Hà Nội tập trung phát triển công nghiệp gắn với chuỗi liên kết giá trị và gắn với quá trình đô thị hóa, phía Bắc sông Hồng là hành lang kinh tế nối các thành phố công nghiệp lớn với các cảng biển tại Hải Phòng, Quảng Ninh.

Hình thành chuỗi đô thị Bắc sông Hồng (thành phố trong Hà Nội) kết nối thành vòng cung từ Việt Trì, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Móng Cái tạo thành hành lang kinh tế Bắc Bộ với đô thị lõi phía Bắc Hà Nội (Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh), trong tương lai đảm nhiệm vai trò đầu tàu thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế này.

“Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế. Hình thành các cụm, chuỗi liên kết du lịch vùng; liên kết phát triển ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn; liên kết phát triển văn hóa, coi văn hóa như là động lực phát triển Hà Nội và cả vùng, trong đó Thủ đô Hà Nội là hạt nhân, trung tâm hội tụ, lan tỏa”, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp