Mekong ASEAN ghi nhận ngày 6/9 tại các chợ dân sinh, cửa hàng thực phẩm và hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều người dân đi mua thực phẩm thiết yếu để tích trữ trước siêu bão Yagi.
Theo các tiểu thương, lượng khách mua sắm trong hai ngày 5-6/9 tăng đột biến, gấp 3-4 lần so với bình thường. Dù vậy, giá của nhiều mặt hàng vẫn ổn định, không có sự biến động.
Trước thông tin siêu bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền kéo theo mưa to đến rất to, ngay từ sáng sớm, các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã kín người tới mua đồ tích trữ. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Chia sẻ với Mekong ASEAN, chị Bích, tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Nghe tin bão nên từ sớm nhiều người đã đi chợ mua hàng rồi. Người dân thường mua khoảng 2-3 kg thịt đủ để tích trữ khoảng 4-5 ngày. Riêng trong buổi sáng nay, tôi bán hết sạch cả nửa tạ thịt”.
Các quầy thịt luôn trong tình trạng cháy hàng dù mới chỉ đầu giờ sáng. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Tương tự, chị Hà, tiểu thương ở chợ Bách Khoa cho biết: “Bình thường cũng phải đến 7h tối tôi mới bán hết. Vậy mà 9h sáng nay đã không còn gì để bán nữa rồi, nhiều khách hỏi mua nên tôi phải hẹn 2h chiều quay lại”.
Đang xách cả đống hàng hóa vừa mua được trên tay, chị Yến (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Như đợt bão lũ trước đây, giá cả các mặt hàng tươi sống như rau xanh, thịt cá đều tăng cao nên sau khi biết thông tin sắp có bão lớn, tôi tranh thủ mua nhiều thực phẩm về dự trữ. Dù lượng người mua rất đông nhưng hầu như các mặt hàng hôm nay tôi hỏi mua đều vẫn giữ giá như ngày thường”.
Trước những thông tin ảnh hưởng của siêu bão Yagi, chị Hiền (đang sinh sống tại Vinhome Times City, Hà Nội) cũng quyết định đi siêu thị từ sớm để lựa chọn được nhiều đồ ăn tươi, ngon cho gia đình, đề phòng thực phẩm khan hiếm do mưa bão.
Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Phần lớn người dân lựa chọn mua các mặt hàng như thịt, trứng, cá, các loại củ quả, đồ đã được chế biến sẵn để sử dụng được lâu dài trong mùa mưa bão.
Trứng gà luôn là mặt hàng được nhiều người dân chọn lựa để tích trữ vì tiện lợi, chế biến được nhiều món và dễ bảo quản trong thời gian dài. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Quầy rau xanh tại trung tâm MM Mega Market trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong tình trạng 'cháy hàng'. |
Không riêng chợ dân sinh, nhiều người dân lựa chọn các cửa hàng thực phẩm, hệ thống siêu thị để mua thực phẩm tích trữ.
Mặc dù nhu cầu tăng nhưng một số siêu thị lớn vẫn khá dồi dào hàng hoá, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tại hệ thống các siêu thị, khu vực quầy thanh toán gần như trong tình trạng đông đúc, người dân phải xếp hàng chờ tới lượt. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Chị Thùy Anh, chủ cửa hàng thực phẩm trên phố Xuân La (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ với Mekong ASEAN: “Những thực phẩm khô như nấm, mỳ bún phở ăn liền hay bánh ngọt…rất đắt hàng. Điển hình, trong ngày hôm qua, cửa hàng bán hết sạch hơn 50 thùng mỳ tôm ăn liền”.
Nhân viên tại một cửa hàng thực phẩm trên phố Xuân La (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang bổ sung hàng vào các khu vực trống. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
Không chỉ nhu yếu phẩm mà các loại thuốc men cũng trở thành mặt hàng được săn đón. Nhiều người dân xếp hàng dài tại các nhà thuốc, tranh thủ mua và tích trữ những loại thuốc thiết yếu.
Người dân xếp hàng dài tại các nhà thuốc trên đường Giải Phóng (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để mua các loại thuốc, sản phẩm thiết yếu như thuốc xịt muỗi, thuốc hạ sốt và thuốc tiêu chảy. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
“Mưa bão lớn như vậy dễ bị sốt xuất huyết, cảm cúm, tiêu chảy hay những bệnh ngoài da. Mình phải chuẩn bị trước để đề phòng trường hợp mưa lớn ngập, các nhà thuốc không mở,” chị Bắc (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.