Hải Dương: Khai hội xuân Giáp Thìn thị xã Kinh Môn năm 2024

Hải Dương: Khai hội xuân Giáp Thìn thị xã Kinh Môn năm 2024

Lễ hội Kinh Môn
19:46 - 17/02/2024
Tại đền Cao An Phụ (phường An Sinh), sáng 17/2 (tức mùng 8 tháng Giêng) thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã long trọng tổ chức Lễ khai hội xuân Giáp Thìn năm 2024.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, cứ mỗi độ xuân về vào ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm, thị xã Kinh Môn tổ chức các hoạt động lễ hội để nhân dân và du khách được thăm quan, chiêm bái các di tích lịch sử, lễ hội là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa giá trị tâm linh với chân - thiện - mỹ, làm cho các thế hệ hôm nay hiểu được công lao to lớn của tổ tiên, bồi đắp niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc và truyền thống văn hiến quê hương, đất nước.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban, sở, ngành trong tỉnh cùng lãnh đạo thị xã Kinh Môn dâng hương tại đền Cao An Phụ.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban, sở, ngành trong tỉnh cùng lãnh đạo thị xã Kinh Môn dâng hương tại đền Cao An Phụ.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn Mạc Thị Huyền cho biết, Kinh Môn là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, đã từ lâu nổi tiếng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”; trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Kinh Môn vẫn còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu.

Trên địa bàn thị xã có 202 di tích, trong đó có một quần thể di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 20 di tích cấp tỉnh; nhiều di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị về mặt lịch sử, khoa học, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật như di tích đền Cao An Phụ, động Kính Chủ, đình Huề Trì, di tích khảo cổ học Nhẫm Dương và các hang động, chùa Hàm Long - động Tâm Long - hang Đốc Tít…

Ông Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương gióng trống khai hội.

Ông Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương gióng trống khai hội.

Bên cạnh đó, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú với hàng trăm lễ hội, nghề thủ công truyền thống gắn với các di tích và cộng đồng dân cư...

Tiêu biểu trong số đó có quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương cùng các hang động… là những danh lam thắng cảnh điển hình của vùng Đông Bắc đất nước. Khu di tích được hình thành và phát triển trên một vùng đất núi sông hòa hợp, dân cư đông đúc, sản vật dồi dào, giao thông thuận lợi... Nơi đây còn là căn cứ quân sự hiểm yếu, cầu nối về kinh tế, văn hóa, chính trị giữa kinh đô Thăng Long với biển Đông.

Ông Nguyễn Vỹ, Bí thư Thị ủy Kinh Môn thỉnh chiêng khai hội.

Ông Nguyễn Vỹ, Bí thư Thị ủy Kinh Môn thỉnh chiêng khai hội.

Từ đỉnh non thiêng An Phụ kết nối với dãy núi Dương Nham, nơi có động Kính Chủ được mệnh danh là “Nam thiên đệ lục động” và hang động Nhẫm Dương - chốn tổ Thiền phái Tào Động, di chỉ khảo cổ học quan trọng có giá trị quốc gia và quốc tế. Tại đây, các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học Việt Nam nghiên cứu được hàng nghìn hiện vật các loại, gồm đồ gốm Việt - Hán từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ III; hóa thạch răng người tìm thấy ở động Thánh Hóa có niên đại cách đây từ 3 - 3,5 vạn năm; các loại tiền kim loại của Việt Nam và Trung Quốc từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XX; vật liệu kiến trúc và trang trí thời Trần; các loại răng trâu, lợn, nhím, hổ, lợn vòi, khỉ, đười ươi, tê giác... cùng nhiều hiện vật có giá trị khác.

Năm 2023, UBND thị xã Kinh Môn Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương hoàn thiện hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới (trong đó, thị xã Kinh Môn có di tích quốc gia đặc biệt Động Kính Chủ và Nhẫm Dương); hoàn thiện xây dựng Nghệ thuật chèo đồng bằng Sông Hồng trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (trong đó có nghệ thuật chèo tại Kinh Môn).

Các đại biểu, nhân dân và du khách dự khai hội.

Các đại biểu, nhân dân và du khách dự khai hội.

Ngoài ra, trên địa bàn thị xã còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu như cầu đá Hà Tràng, đình Huề Trì, đình Xạ Sơn, đền Thiên Kỳ... Vùng đất Kinh Môn còn là nơi sinh ra những danh nhân, danh tướng, học giả, thi sĩ như Đỗ Khắc Chung, Phạm Sư Mạnh, Phạm Tông Ngộ, Phạm Tông Mại, Nguyễn Đại Năng…

Đến nay, du khách đến Kinh Môn thăm quan, chiêm bái ngày càng đông, không chỉ tập trung ngày lễ đầu xuân mà còn du lịch vãn cảnh suốt bốn mùa trong năm.

Theo Ban tổ chức, lễ hội xuân Giáp Thìn thị xã Kinh Môn năm nay diễn ra trong 3 tháng (từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch) gồm các nghi lễ, sự kiện văn hoá, tín ngưỡng như dâng hương; lễ cầu an tại Chùa Tường Vân; liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ người Việt tại Cung Thánh Mẫu; lễ tưởng niệm 773 năm Ngày mất An Sinh vương Trần Liễu (cùng di tích đền Cao An Phụ); lễ tưởng niệm 320 năm ngày mất của Thánh tổ Thuỷ nguyệt tại chùa Nhẫm Dương. Phần hội gồm các hoạt động văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian sẽ được tổ chức tại di tích đền Cao An Phụ, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương…

Đọc tiếp